Hãng thông tấn TASS, tính đến đầu tháng 4, Ukraine đã nhận được 57 xe tăng chiến đấu chủ lực từ các đồng minh phương Tây trong tổng số 293 chiếc theo cam kết viện trợ từ đầu năm 2023.
Con số này chỉ chiếm 19% số xe tăng như phương Tây đã hứa, TASS đưa tin.
Hiện tại các quốc gia cam kết viện trợ xe tăng cho Ukraine gồm Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Pháp, Anh, Đức, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Na Uy, và Hà Lan.
Trước đó, ngày 25/1, Đức tuyên bố sẽ viện trợ 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine và bổ sung thêm 4 chiếc khác vào ngày 24/2.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm 27/3, Ukraine đã nhận được số xe tăng này.
Ngoài những chiếc Leopard 2A6, Berlin cũng “bật đèn xanh” cho phép các nước châu Âu đang sử dụng xe tăng Leopard viện trợ cho Ukraine như Đan Mạch và Hà Lan. Tổng số xe tăng Đức có kế hoạch chuyển giao cho Ukraine lên đến 100 chiếc, quá trình này dự kiến diễn ra vào quý 1 hoặc quý 2 năm 2024.
Cũng với Đức, Na Uy tuyên bố sẽ chuyển 8 xe tăng và Bồ Đào Nha gửi 3 xe tăng tới Ukraine. Ba Lan công bố chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2A4. Bốn trong số đó đã được giao vào cuối tháng 2 và những chiếc còn lại vào đầu tháng 3/2023.
Trong tháng 3, Anh cũng đã chuyển giao những chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên cho Ukraine trong tổng số 14 chiếc theo cam kết.
Các quan chức Ukraine cuối năm 2022 tuyên bố Kiev cần ít nhất 300 xe tăng hiện đại, cũng như hàng trăm phương tiện bọc thép và pháo binh khác. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky mới đây cũng cảnh báo Kiev không thể khởi động một cuộc phản công hiệu quả chống lại quân đội Nga nếu không có đủ lượng vũ khí phương Tây.
Một số nước châu Âu đã phải vật lộn để tìm đủ xe tăng có thể tài trợ cho Ukraine. Tháng trước, Thụy Sĩ tiết lộ rằng Đức đã chính thức yêu cầu nước này bán lại một lô Leopard 2 đã ngừng hoạt động cho nhà sản xuất Rheinmetall của Đức để Berlin có thể bổ sung vào kho dự trữ.
Trong khi đó, truyền thông Đức đưa tin, do các vấn đề về thiết bị quân đội Đức không được trang bị đầy đủ để thực hiện một số cam kết với tư cách là thành viên NATO.
Bình luận