(VTC News) - Theo nhận định của Luật sư, Công an huyện Thường Tín đã có một số sai phạm rất rõ ràng.
Như VTC News đã thông tin, ngày 20/6, anh Nguyễn Văn Út (SN 1976, ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã tử vong trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại tỉnh lộ 429, thuộc địa bàn xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Hơn 3 tháng sau, ngày 26/9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng vụ tai nạn xảy ra là do lỗi của anh Út. Đáng chú ý, trong Quyết định này của Cơ quan CSĐT lại có 2 hiện trường (địa điểm tai nạn) khác nhau.
Theo phản ánh của chị Hoàng Thị Tính (vợ anh Út) thì 2 địa điểm nói trên đều không phải nơi xảy ra vụ tai nạn khiến chồng chị tử vong. Người phụ nữ này còn cho biết, Công an huyện Thường Tín đã có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình giải quyết vụ tai nạn.
Liên quan đến vụ việc, PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Phạm Thị Hương - Giám đốc Công ty Luật Song Thanh, Hà Nội.
- Quyết định không khởi tố của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường tín có 2 hiện trường khác nhau. Luật sư đánh giá thế nào về chi tiết này? Văn bản này có giá trị pháp lý hay không?
Theo ý kiến cá nhân tôi thì đây là điểm bất hợp lý, một vụ tai nạn giao thông thì không thể có 2 hiện trường tại 2 tuyến đường khác nhau. Có thể là do có sự sai sót, nhầm lẫn về mặt chính tả khi lập Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, theo thông tin gia đình nạn nhân cung cấp thì địa điểm (hiện trường) xảy ra tai nạn trên Quyết định không trùng khớp với hiện trường thực tế của vụ tai nạn thì cần phải xem xét, làm rõ tình tiết này.
Trong trường hợp này, Quyết định không khởi tố vụ án là quyết định cuối cùng của Cơ quan CSĐT, Công an huyện Thường Tín về vụ tai nạn dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Út. Quyết định này phải căn cứ trên cơ sở Biên bản hiện trường tai nạn, quá trình điều ra, làm rõ nguyên nhân tai nạn, lỗi và trách nhiệm của các bên liên quan.
Đoạn đường xảy ra vụ tai nạn theo phản ánh của gia đình nạn nhân và nhân chứng. |
Tuy nhiên, nếu nội dung Quyết định không khởi tố vụ án mâu thuẫn với Biên bản hiện trường và/hoặc Biên bản, kết quả điều tra, thực nghiệm hiện trường; lời khai của những người chứng kiến vụ tai nạn và các chứng cứ, tài liệu khác… thì hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về tính khách quan, trung thực của Quyết định này.
Gia đình nạn nhân có quyền khiếu nại về Quyết định không khởi tố vụ án để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều tra lại toàn bộ nội dung sự việc.
Gia đình nạn nhân có quyền khiếu nại về Quyết định không khởi tố vụ án để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều tra lại toàn bộ nội dung sự việc.
- Giả sử Viện Kiểm sát huyện Thường Tín đã nhận Quyết định này cùng hồ sơ vụ việc và đã có văn bản thể hiện sự đồng ý với Quyết định của Cơ quan CSĐT thì trách nhiệm của VKS trong trường hợp này là thế nào?
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì Viện Kiểm sát là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố, việc khởi tố vụ án có căn cứ và hợp pháp. Nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan điều tra không có căn cứ, thì Viện Kiểm sát có quyền hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án.
Nếu Viện Kiểm sát đồng ý với quyết định của cơ quan điều tra thì Viện Kiểm sát phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phát hiện có oan sai sau này.
- Nếu Quyết định trên là vi phạm quy định pháp luật và không có giá trị pháp lý thì văn bản này phải được xử lý như thế nào?
Nếu có kết luận của cơ quan có thẩm quyền (Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp hoặc Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp trên) về việc Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT, Công an huyện Thường Tín là vi phạm pháp luật, không đúng thì Quyết định này sẽ bị hủy bỏ; Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án theo quy định.
- Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín đã vi phạm gì về thời gian ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; vi phạm gì về thời gian giải quyết một vụ tai nạn nghiêm trọng, giải quyết sự việc sau khi có đơn đề nghị của gia đình nạn nhân?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 103, Bộ Luật Tố tụng Hình sự thì: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
|
Theo nội dung Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Thường Tín thì tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 20/6/2014 nhưng đến ngày 26/9/2014, tức là hơn 3 tháng sau, Công an huyện Thường Tín mới ra Quyết định không khởi tố vụ án là vi phạm quy định về thời gian tại khoản 2, Điều 103 nêu trên.
- Trong vụ việc này, nếu không có đơn đề nghị giải quyết sự việc của gia đình chị Tính, thì phía cơ quan công an có thể tự điều tra theo quy trình hay không (vụ tai nạn là dấu hiệu phạm tội, không cần phải có đơn của gia đình người chết mới điều tra)?
Các vụ án liên quan đến tai nạn giao thông, vi phạm quy định về an toàn giao thông không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 105, Bộ Luật Hình sự về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại.
Theo thông tin gia đình chị Tính cung cấp thì khi gia đình chị nhận được tin báo về tai nạn, đến nơi đã thấy Công an huyện có mặt tại hiện trường, tức là Công an huyện đã được biết về vụ tai nạn giao thông nên nếu không có đơn đề nghị giải quyết của gia đình nạn nhân hoặc đơn, tin tố giác tội phạm thì Cơ quan điều tra vẫn phải thực hiện nhiệm vụ xác minh, điều tra, làm rõ về tai nạn và quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.
- Công an huyện Thường Tín có vi phạm điều luật gì không khi không đưa một số tài sản của nạn nhân vào biên bản bàn giao cho gia đình?
Theo quy định pháp luật thì khi giải quyết tai nạn giao thông, nếu cần phải thu, tạm giữ phương tiện hoặc vật chứng khác liên quan thì Công an phải lập Biên bản thu giữ. Khi kết thúc vụ việc thì phải lập Biên bản bàn giao (trả lại) tài sản cho chủ sở hữu hoặc thân nhân. Nếu Công an bàn giao, trả lại tài sản không đủ, không đúng so với Biên bản thu/tạm giữ ban đầu là trái quy định, gia đình có quyền khiếu nại.
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín có 2 hiện trường khác nhau. |
Theo Quy trình giải quyết tai nạn giao thông đường bộ do Bộ Công an ban hành thì có quy định về việc khám nghiệm hiện trường và phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định của luật tố tụng hình sự. Tiến hành khám nghiệm hiện trường như sau:
a) Phát hiện, xác định vị trí các dấu vết, vật chứng, nạn nhân, phương tiện để lại trên hiện trường;
b) Đánh dấu vị trí các dấu vết, vật chứng, nạn nhân, phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết liên quan đến tai nạn trên phương tiện;
c) Chụp ảnh (và quay camera nếu có) hiện trường chung, hiện trường từng phần; chụp ảnh dấu vết, vật chứng có liên quan; Chú ý khi chụp ảnh dấu vết, vật chứng nhất thiết phải đặt thước tỉ lệ;
d) Đo đạc và vẽ sơ đồ hiện trường;
đ) Thu lượm dấu vết, vật chứng, bảo quản và lấy mẫu so sánh (nếu thấy cần thiết) theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu Công an không tiến hành khám nghiệm hiện trường là không tuân thủ quy trình giải quyết tai nạn giao thông theo quy định, dẫn đến việc giải quyết sau này không đảm bảo tính chính xác, khách quan, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật vụ án.
- Lái xe tải bỏ trốn khỏi hiện trường, không đưa nạn nhân đi cấp cứu có vi phạm pháp luật hay không?
Tại khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau:
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, ngay cả khi chưa xác định được lỗi thuộc về ai thì việc người lái xe tải bỏ đi sau khi xảy ra tai nạn, không đưa người bị thương đi cấp cứu… là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Trong trường hợp bị khởi tố hình sự thì đây còn là tình tiết tăng nặng định khung.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Quyết
Bình luận