• Zalo

Uẩn khúc nào sau nghi án hiệp sĩ cưỡng đoạt tài sản?

Thời sựThứ Ba, 12/03/2013 12:45:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cơ quan CSĐT không khởi tố vụ án hình sự đối với nghi án hiệp sĩ Bình Dương "cưỡng đoạt tài sản", nhưng còn nhiều khuất tất sau quyết định này.

(VTC News) -  Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với nghi án hiệp sĩ Bình Dương "cưỡng đoạt tài sản", nhưng còn nhiều khuất tất cần làm sáng tỏ.

Sau thời gian dài chờ đợi kết quả, ngày 11/3/2013 hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải – Đội trưởng hiệp sĩ phường Phú Hòa, Bình Dương, mới nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, TP.HCM.

Thông báo này do Thượng tá Nguyễn Văn Liêm – Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT CAQ.12 ký ngày 22/1/2013: Căn cứ Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan CSĐT CAQ.12, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 13/QĐ.

Vụ án đã rõ nhưng...

Theo hồ sơ vụ án, ngày 18/8/2012 Công an phường Mỹ Trung Tây, Q.12 có tiếp nhận tin báo vụ việc bị chiếm đoạt tài sản do Huỳnh Thị Mai Phương (SN 1977, ngụ 128 Cộng Hòa, P.4, Q.Tân Bình) trình báo. 

Vào khoảng 21h ngày 17/8/2012, anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1969, ngụ số 34 Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh; tạm trú xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn ) điều khiển xe mô tô chở chị Mai Phương đi từ quán cà phê Chợt Nhớ (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) về huyện Hóc Môn.

Khi đến đường Song Hành, Quốc lộ 22 (gần ngã tư đường Song Hành và TMT 2A) thuộc khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, anh Hiệp dừng xe mô tô lại để hút thuốc thì bị nhóm thanh niên khoảng 10 người tự xưng là công an và đưa anh Hiệp, chị Phương đến công an phường Trung Mỹ Tây, Q.12 để làm việc. 

Tại trụ sở Công an phường Trung Mỹ Tây có một người đi vào liên hệ trực ban, tự xưng là Hải – hiệp sĩ đường phố của phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trao đổi về vụ việc có liên quan đến chiếc xe ô tô Innova biển số 52Z-0540, công an phường trả lời “ở đây không đủ chức năng để giải quyết”.

Lúc này anh Hiệp quay ra ngoài thì thấy một người mở cốp xe của anh Hiệp lấy đi túi giấy bên trong có số tiền 230 triệu đồng, rồi lên chiếc Innova cùng nhóm thanh niên tẩu thoát. 

Qua điều tra, xác minh thì chiếc xe Innova biển số 52Z-0540 do ông Đinh Đắc Lộc làm chủ sở hữu. Việc Nguyễn Văn Hiệp đang giữ chiếc xe trên là xiết nợ của Phạm Quốc Dũng (SN 1980 , ngụ Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh).

Dũng là người thuê lại xe ô tô của Trần Quốc Toản (ngụ 54/2 đường số 4, P.16, Q.Gò Vấp), Toản thuê lại xe ô tô của Lộc, Toản hiện không có mặt tại địa phương. 

Nguyễn Văn Hiệp đã có hành vi buộc Đinh Đắc Lộc phải đưa số tiền 240 triệu đồng (theo hình thức cho vay) thì mới giao lại chiếc xe ô tô Innova mà do chính Đinh Đắc Lộc là chủ sở hữu. Lộc vì muốn nhận lại xe nên phải đồng ý đưa Hiệp số tiền và viết giấy nợ cho vay theo yêu cầu của Hiệp.

Cơ quan CSĐT CAQ.12 nhận định, việc Hiệp vay nợ này là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, giao dịch đã bị vô hiệu hóa ngay từ khi các bên giao kết (vô hiệu cả về nội dung và hình thức của tờ giấy nợ), bởi vi phạm các quy định của Bộ luật Dân sự là không thể hiện được ý chí và tự do ý chí của mỗi bên, không ngay tình, không trung thực. 

Khi hợp đồng vô hiệu, thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Do đó Hiệp phải trả lại tiền cho Lộc, hay Lộc lấy lại số tiền cũng giống như nhau. Chính vì không tự nguyện, không ngay tình nên trước khi Lộc giao tiền cho Hiệp đã phải nhờ đến nhóm hiệp sĩ Bình Dương đi cùng, như là những người làm chứng. 

Hiệp đang chiếm giữa chiếc xe ô tô Innova mà không thuộc quyền sở hữu của mình, không được chủ sở hữu là Đinh Đắc Lộc giao cho quyền quản lý, sử dụng, khai thác là chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, pháp luật nghiêm cấm.

Nguyễn Văn Hiệp đã có hành vi ép buộc chủ tài sản là Đinh Đắc Lộc phải trả thêm một khoản tiền (dưới danh nghĩa cho vay) để được nhận lại tài sản mà Hiệp đang chiếm giữ trái phép là vi phạm pháp luật. 

 Thông báo của Cơ quan CSĐT CAQ.12 do Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm ký này 22/1/2013 nhưng đến ngày 11/3/2013 những người liên quan mới nhận được. Đã vậy tên hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải lại "gõ nhầm" thành Trần Thanh Hải và cụm từ "VPHC" tại sao không ghi rõ ra mà lại viết tắt (!?).

Cũng theo CAQ.12, qua việc làm Hiệp không có yêu cầu gì về số tiền 230 triệu đồng, mà chỉ có vợ chồng anh Thành, chị Phương yêu cầu được lấy lại số tiền trên.

Tuy nhiên số tiền 230 triệu đồng đã chuyển quyền sở hữu từ Hiệp sang Thành là không rõ ràng, bởi Lộc chỉ biết giao tiền cho Hiệp chứ không biết vợ chồng Thành là ai, cũng như mục đích của việc Thành cầm số tiền trên và Lộc lấy lại số tiền trong cốp xe mô tô của Hiệp.

Giữa Hiệp và vợ chồng Thành không có văn bản giấy tờ về việc giao nhận chuyển quyền sở hữu, nên số tiền trên vẫn thuộc quyền sở hữu của Hiệp, chứ không phải của vợ chồng Thành. 

Vì vậy, việc Thành và Phương yêu cầu cơ quan điều tra buộc Lộc trả lại số tiền 230 triệu đồng là không có căn cứ. Còn việc Hiệp nợ số tiền đề nghị ông Thành và bà Phương khởi kiện vụ việc dân sự tại tòa án để giải quyết.

Quyết định đến sau gần... 2 tháng

Việc Cơ quan CSĐT CAQ.12 ra thông báo ngày 22/1/2013 nhưng đến ngày 11/3/2013 hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, Đinh Đắc Lộc mới nhận được chưa xác định là cố tình hay vô ý.

Chính sự kéo dài này khiến những người liên quan đến nghi án “cưỡng đoạt tài sản” như ngồi trên đống lửa. Thời gian điều tra vụ án kéo dài hơn 5 tháng, tính từ ngày 6/9/2012 đến thời điểm ra thông báo 22/1/2013.

Sau khi nhận được đơn cầu cứu của hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải nhờ làm sáng tỏ vụ việc và điều quan trọng là phải có văn bản, công văn chính thức kết luận nghi án "cưỡng đoạt tài sản" của Cơ quan CSĐT CAQ.12 (thời gian điều tra đã 6 tháng), PV VTC News đã nhiều lần liên hệ Ban Chỉ huy Công an Q.12, nhưng chỉ nhận những câu trả lời trái ngược nhau, lúc đang điều tra, lúc thì đã gửi văn bản rồi, lúc thì chưa gửi, sẽ gửi trong thời gian sớm nhất.... 

Thượng tá Nguyễn Hữu Song – Trưởng CAQ.12, đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện đúng cam kết, giải tỏa được tâm lý bất an lo lắng của chính những cá nhân liên quan, trong đó bức xúc nhất là hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, Đinh Đắc Lộc.

Trao đổi VTC News, ông Đinh Đắc Lộc nói “Vấn đề đã rõ. Chuyện ông Hiệp có bị xử lý hình sự hay không, cái đó là trách nhiệm của cơ quan CSĐT CAQ.12. Riêng phần tôi chỉ mong muốn, ông Hiệp trả cho tôi số tiền còn lại gồm tiền chiếc xe tôi bị luộc phụ tùng, trang thiết bị là 183 triệu đồng và 10 triệu đồng mà ông Hiệp giữ lấy của tôi lúc đi chuộc xe (Lộc đưa Hiệp nhận 240 triệu đồng, nhưng Lộc chỉ lấy lại được 230 triệu đồng - PV)”.

Khuất tất cần làm rõ

Trong thông báo của Cơ quan CSĐT CAQ.12 có đoạn nêu: “Hành vi của Đinh Đắc Lộc, Nguyễn Thanh Hải và nhóm hiệp sĩ câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, Bình Dương sẽ được xử lý hành vi theo pháp luật VPHC”.

Trả lời vấn đề này, cả ông Lộc và hiệp sĩ Hải ngơ ngác không hiểu mình bị phạt VPHC về lỗi gì (!?). Nếu có tại sao không nói rõ trong bảng thông báo luôn. Mà cụm từ "VPHC" tại sao không ghi rõ ra mà lại viết tắt, gây suy đoán, khó hiểu. Không biết có phải là "vi phạm hành chính" (?!)

 Anh Nguyễn Thanh Hải (giữa) được xem là "linh hồn" của hiệp sĩ Bình Dương, vinh dự nhận Huân chương Chiến công hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng năm 2010. Ảnh: Phan Cường

Bên cạnh đó, hiệp sĩ Hải cũng mong muốn cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Công an phường Trung Mỹ Tây, bởi khi các hiệp sĩ dẫn dắt những người liên quan đến nhờ can thiệp, thụ lý hồ sơ nhưng cơ quan này lại đùn đẩy không tiếp nhận, né tránh trách nhiệm khi người dân có yêu cầu cần giúp đỡ.

Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 141, như sau:

1- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2- Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng theo anh Hải, trong thời gian chờ đợi kết quả điều tra, một điều tra viên công an quận 12 có gọi điện thoại đến "bắn tin", mong muốn hiệp sĩ Hải bỏ qua vụ việc không nên làm lớn chuyện, bởi có nhiều lý do nhạy cảm.

"Một vài cơ quan truyền thông khi nhận được bản điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT CAQ.12 đã vội vã đưa tin khiến nhiều người ngộ nhận nghĩ rằng các hiệp sĩ là những kẻ cướp cưỡng đoạt tài sản. Việc này khiến tôi đau lòng, gia đình hoang mang, người thân xa lánh, nạn nhân mình giúp thì nhìn mình bằng ánh mắt nghi ngờ, lo lắng, không tin tưởng. Vậy nên tôi điều tôi mong muốn là phải trả lại uy tín, danh dự của tôi cũng như những cá nhân liên quan khác" - Anh Hải bày tỏ.

Ngày 6/9/2012, Công an quận 12 đã gửi giấy triệu tập 10 thành viên đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa để làm rõ đơn tố “Cưỡng đoạt tài sản” của anh Hiệp. Phía công an cho rằng 10 hiệp sĩ  bị triệu tập vì “tạo điều kiện cho người khác chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn”, nghĩa là có dấu hiệu liên đới trách nhiệm.

Công an quận 12 nói rõ, 10 hiệp sĩ rời địa bàn tỉnh Bình Dương và gây ra vụ việc như đã đề cập ở trên nhưng không có báo cáo ban chủ nhiệm của CBL phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một. Việc làm của các “hiệp sĩ” là đã tạo điều kiện cho đối tượng Đinh Đắc Lộc chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú (!?).

"Vụ án này cần phải khởi tố hình sự đối với người có hành vi chiếm giữ tài sản trái pháp luật, ép buộc bị hại đưa tiền với hình thức vay mượn để chuộc lại tài sản, rồi lại đi tố cáo sai sự thật, vu oan người khác. Những ai bao che thì xử lý theo pháp luật" - Luật sư Nguyễn Công Tâm (Q.1) nói.

Được biết, hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải có trên 15 nặm bắt trộm, cướp, các tệ nạn xã hội như nạn rải đinh, mại dâm, lừa đảo... nhận được hàng trăm giấy khen, bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác do Bộ Công an, CATP Bình Dương cùng các cơ quan ban ngành khen thưởng, trong đó có thể đến Huân chương Chiến công hạng 3 do chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng năm 2010.



Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn