1. Đêm qua, đêm đầu tiên bóng đá Việt Nam là vua SEA Games. Người ta từng tự hỏi "đời người là mấy cái 10 năm" khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup sau tròn một thập kỷ đợi chờ, nhưng chẳng thể nào đong đếm "đời người là mấy cái 60 năm".
Bởi 60 năm, gần như bằng một đời người. Hơn nửa thế kỷ với đầy hỉ, nộ, ái, ố, gần 30 năm sau ngày hội nhập, bóng đá Việt Nam giờ không còn đau đáu giấc mơ SEA Games nữa. Tấm huy chương vàng khu vực không còn là nỗi ám ảnh với các thế hệ cầu thủ nữa.
Cũng ở Philippines với tỷ số 3-0, nhưng chúng ta là người thắng chứ không phải kẻ thua. Cũng ở chung kết SEA Games, nhưng là nụ cười, chứ không phải hai hàng nước mắt.
2. Chúng ta mơ SEA Games để làm gì? 2 năm qua, U23 Việt Nam là đương kim á quân châu Á. Olympic Việt Nam là đương kim hạng Tư ASIAD. Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, vào tứ kết Asian Cup, dẫn đầu bảng vòng loại World Cup. Trước khi mất việc, HLV Bert van Marwijk gọi Việt Nam là đối thủ khó nhất bảng đấu.
Ở SEA Games, chưa cần vô địch, U22 Việt Nam đã được Fandi Ahmad (HLV U22 Singapore) và Felix Dalmas (U22 Campuchia) gọi là đội mạnh nhất giải đấu.
2 năm qua, bóng đá Việt Nam lớn mạnh không ngừng, thổi bay giới hạn, thách thức hay định nghĩa lịch sử về đà vươn mình của một nền bóng đá Đông Nam Á. Việt Nam là "vua Đông Nam Á", một danh xưng mà dù không muốn nhận, thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn phải nhận, bởi không một đội bóng nào trong số 11 nước khu vực tiệm cận vị thế Việt Nam có được từ khi ông thầy người Hàn Quốc đặt bút ký vào bản hợp đồng.
Đã vượt quá tầm vóc khu vực, đang chuẩn bị hướng tới chiến dịch bảo vệ ngôi á quân U23 châu lục, hướng tới mục tiêu giành vé Olympic, tại sao vẫn còn dốc tâm, dốc sức vô địch giải đấu "ao làng" đến mức phá vỡ mọi luật lệ, quy tắc của một giải đấu bóng đá, không nằm trong hệ thống bóng đá châu Á, gọi 2 tuyển thủ QG và chi gần 1 tỷ đồng mang ngôi sao đang đá ở châu Âu về để "chiến" SEA Games?
Đến ngày hôm nay, có lẽ vẫn còn câu hỏi kiểu như vậy. Dốc toàn lực nuôi "giấc mơ con", có đáng không. Cố hết sức vì cái "ao làng", có cần không.
Cần chứ. Đáng chứ. Bởi đời người, chỉ một lần được tận hưởng cái "60 năm".
3. Vươn ra châu Á rồi lại quay về chinh phục SEA Games là bước tiến phi logic về mặt lý trí, nhưng với cảm xúc và trái tim, gần như chẳng cần một logic hay lý trí nào. Chúng ta phải vô địch SEA Games vì chúng ta chưa từng làm được. U22 Việt Nam phải vô địch SEA Games, để không nỗi đau quá khứ nào được phép dày vò, cản trở cầu thủ được nữa.
U22 Việt Nam kết thúc nốt "giấc mơ con" để ngủ thật ngon. Một giấc ngủ không còn mộng mị, để ngày mai, các học trò của Park Hang Seo giong buồm tìm biển lớn.
Chiến thắng này không quá ý nghĩa về mặt chuyên môn, bởi ngay từ đầu, một đội bóng đã ở tầm châu lục lại tìm về khu vực chẳng khác nào những doanh nhân, bác sĩ thành đạt tìm về những tấm giấy khen thuở thiếu thời. Song, chức vô địch hôm nay là tấm băng chữa lành vết thương.
HLV Park Hang Seo, Đoàn Văn Hậu hay Đỗ Hùng Dũng đều nhắc về "nhân dân Việt Nam" khi đeo huy chương vàng trên ngực áo. U22 Việt Nam chinh phục SEA Games để bù đắp lại tổn thương quá khứ, lau khô những cái nấc nghẹn, đau đớn vì những lần ngã trước cửa thiên đường.
Để những nụ cười gượng gạo tại Chiangmai, giọt nước mắt tại Bacolod hay Viêng Chăn, mãi nằm lại góc khuất ký ức. Để chúng ta chỉ còn nói về SEA Games với bản hùng ca của đội bóng bất khả chiến bại ở Manila. Đội bóng giờ mang lại ám ảnh cho kẻ khác, chứ không sợ hãi, run run trước bất cứ khó khăn, trở lực nào.
Đó là ý nghĩa sâu thẳm của tấm huy chương vàng. Tấm huy chương mất 60 năm đợi chờ mòn mỏi. Tấm huy chương dù như "muối bỏ bể" với những gì Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh làm được suốt 2 năm qua, nhưng vẫn có một vị trí trang trọng.
Đêm qua, đêm đầu tiên ta không còn đau đáu về SEA Games. Mãi về sau, người hâm mộ sẽ nhớ đến kỳ đại hội này với những ký ức, dù buồn, dù vui, vẫn có thể nở nụ cười mãn nguyện.
60 năm uẩn ức kết thúc từ đây. Ngày mai, phía trước thầy trò Park Hang Seo chỉ còn biển lớn. Còn khu vực, ta chẳng bận lòng, chẳng vấn vương gì nữa.
Bình luận