Chiều 15/8, đội tuyển U18 Việt Nam gây thất vọng khi thua 1-2 trước U18 Campuchia ngay trên sân nhà Thống Nhất. Đây mới là trận thua đầu tiên của bóng đá Việt Nam trước nền bóng đá xứ chùa tháp ở các cấp độ đội tuyển quốc gia.
Thất bại này khiến U18 Việt Nam có lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng bảng của giải đấu. Còn với U18 Campuchia, dù chịu chung số phận, đoàn quân của HLV Gyotoku Koji vẫn có thể ngẩng cao đầu rời giải, đặc biệt sau những gì làm được trước U18 Việt Nam và Thái Lan.
Màn trình diễn của đội U18 tại giải Đông Nam Á một lần nữa là lời khẳng định đanh thép về khát vọng vươn lên mãnh liệt của bóng đá Campuchia. Không chỉ tại xứ chùa tháp, khoảng cách giữa các quốc gia trong khu vực cũng ngày một thu hẹp bởi sự vươn lên của những đội bóng trước đây vốn vẫn an phận "lót đường".
Những đội bóng "chiếu dưới" từng thua cách biệt lớn
Khoảng hơn 2 thập niên trước, khi kỳ AFF Cup đầu tiên được tổ chức năm 1996, bóng đá Đông Nam Á ngày ấy là cuộc chơi riêng của top 5 ông lớn trong khu vực.
Thái Lan và Singapore thay nhau thống lĩnh, Việt Nam, Indonesia và Malaysia cũng thể hiện tham vọng và luôn lăm le đánh chiếm ngai vàng khu vực từ 2 đội bóng này. Phần còn lại là những đội bóng an phận "lót đường" và được dùng làm "bia tập bắn", có thể kể tới như Myanmar, Philippines, Lào hay Campuchia.
Lịch sử bóng đá khu vực đã chứng kiến không ít màn "hủy diệt" khi các đội bóng của 2 nhóm này đối đầu nhau.
Indonesia từng giành chiến thắng trước Philippines 13-1 tại AFF Cup 2002. Đội tuyển Lào hứng trọn 20 bàn thua chỉ sau 2 cuộc đối đầu Việt Nam và Singapore năm 2007. Còn với Campuchia, họ cũng là "con mồi" ưa thích của nhóm "đại gia" mà những thảm bại 2-9 (năm 2002), 1-9 (năm 2004) trước Việt Nam hay 0-8 trước Indonesia (năm 2004) là những ví dụ điển hình.
Tới sân chơi SEA Games, tình hình cũng chẳng khá hơn là bao. Họ tiếp tục đóng vai "bia tập bắn" với những trận thua bẽ bàng và thi nhau nắm giữ những kỷ lục về đội bóng sở hữu số bàn thua nhiều nhất trong một trận đấu.
Những kỳ đại hội thể thao khu vực hay AFF Cup luôn là miền đất hứa để những "đại gia" giễu võ dương oai, phô trương sức mạnh. Trong khi đó, nhóm "chiếu dưới" thường xuyên bị "chèn ép" và tuyệt nhiên không có cơ hội vẫy vùng tại những sân chơi này.
Sự chuyển mình của bóng đá khu vực
Tại AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam phá vỡ thế độc tôn của Singapore và Thái Lan khi lần lượt hạ bệ 2 đối thủ này trong hành trình tiến tới chiếc cúp vàng danh giá. Chức vô địch của thầy trò HLV Henrique Calisto cũng là tiền đề đánh dấu cho những bước chuyển mình đầu tiên của bóng đá khu vực.
SEA Games 25 tại Lào, Malaysia đánh bại Việt Nam 1-0 ở chung kết để giành lấy tấm huy chương vàng, qua đó chấm dứt ách thống trị kéo dài suốt 14 năm của bóng đá Thái Lan ở các kỳ đại hội thể thao khu vực.
2 năm tiếp theo, bóng đá Malaysia tiếp tục thống trị Đông Nam Á và gặt hái thành công với chức vô địch AFF Cup 2010 và tấm huy chương vàng SEA Games 2011.
Một điểm chung trong 2 chức vô địch này của Malaysia là việc họ đều đánh bại Indonesia trận chung kết. Đội bóng xứ vạn đảo cũng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt và chỉ thiếu chút may mắn để có lần đầu tiên xưng vương tại đấu trường khu vực.
Trong khi đó, 2 thế lực một thời là Singapore cũng như Thái Lan đồng loạt suy yếu và đánh mất vị thế thống trị. Còn quá sớm để nói về những cuộc lật đổ chính thức, nhưng nếu cộng dồn các yếu tố lại, người hâm mộ có thể suy nghĩ manh nha về những bước chuyển mình đầu tiên của bóng đá Đông Nam Á.
Những kẻ "lót đường" vươn lên
Trong giai đoạn này, bóng đá khu vực còn chứng kiến sự xuất hiện của thế lực mới, và đó là đội tuyển Philippines.
Chính sách triệu tập "Phi kiều" của tỷ phú Dan Palami giúp bóng đá Philippines phát triển nhanh và trở thành kẻ ngáng đường khó chịu với bất kỳ đội bóng nào trong khu vực.
Tại AFF Cup 2010, The Azkals với đầu tàu là anh em nhà Younghusband tạo nên địa chấn với chiến thắng 2-0 trước đội tuyển Việt Nam, qua đó tạo tiền đề để đội nhà có lần đầu tiên giành vé vào bán kết giải đấu.
5 kỳ AFF Cup tiếp theo, đội bóng này lọt vào nhóm "tứ đại gia" tới 4 lần. Từ thất bại muối mặt 1-13 trước Indonesia trong quá khứ, bóng đá Philippines giờ đây thoát khỏi cảnh "ngồi chung mâm" với Brunei hay Timor Leste.
Chưa có được thành công vang dội như Philippines, nhưng những bước tiến của bóng đá Campuchia thời gian qua cũng xứng đáng được ghi nhận.
Sự xuất hiện của chuyên gia Hàn Quốc, Brazil và mới đây nhất là Nhật Bản giúp bóng đá xứ chùa tháp đang sở hữu lứa cầu thủ được cho là tốt nhất từ trước tới nay với đầu tàu là "Messi Campuchia" Chan Vathanaka.
Cộng với điểm tựa sân nhà Olympic, Campuchia đang trở nên gai góc và không dễ bị đánh bại. Ở vòng loại Asian Cup 2019, đội bóng này thua sát nút Jordan 0-1, suýt khiến Việt Nam ôm hận ở lượt trận thứ 2 và sau đó thậm chí đả bại Afghanistan, đội bóng mà thầy trò HLV Park Hang-seo phải "mướt mồ hôi" mới cầm chân được với tỷ số 0-0 trên sân Mỹ Đình.
Ở tuyến trẻ, Campuchia vào tới bán kết U22 Đông Nam Á. Còn tại giải U18, đại diện xứ chùa tháp dù không vượt qua vòng bảng vẫn gây tiếng vang lớn khi quật ngã 2 "ông kẹ" của bóng đá khu vực là Thái Lan và Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ là thiếu xót nếu không nhắc tới Myanmar. Sự xuất hiện của tỷ phú Zaw Zaw cùng nguồn hỗ trợ từ bóng đá Đức đang từng ngày thay đổi bộ mặt bóng đá nước này.
Giống Campuchia, Myanmar chưa gặt hái nhiều thành công ở khu vực cũng như châu lục. Tuy nhiên, với nòng cốt là lứa cầu thủ tiềm năng từng tham dự U20 World Cup 2015 của Aung Thu hay Sithu Aung, người hâm mộ nước này hoàn toàn có quyền mơ về thành công của đội tuyển quốc gia trong tương lai.
Tại U23 châu Á 2018 và Asian Cup 2019, ông Park đã nâng tầm bóng đá Việt Nam. "Những ngôi sao vàng" giờ đây bước vào mỗi giải đấu với tâm thế khác khi không run sợ bất kỳ đối thủ nào.
bóng đá Việt Nam đang phát triển. Nếu nhìn lại tuyến trẻ, các đối thủ trong khu vực cũng bắt đầu phả hơi nóng vào gáy chúng ta. Nếu không tiếp tục phấn đấu và có những bước tiến lớn hơn, những thất bại như trước U18 Campuchia sẽ không còn là điều gì đó quá mới mẻ.
Bình luận