• Zalo

Tỷ phú Vietjet Air thâu tóm dự án bất động sản nào ở Hà Nội?

Bất động sảnThứ Ba, 23/01/2018 13:44:00 +07:00Google News

Công ty CP Địa ốc Phú Long của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã mua 50% cổ phần tại dự án Splendora từ Công ty xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc).

Dự án Slendora được cấp chứng nhận đầu tư vào 8/12/2006. Chủ đầu tư là Liên doanh Công ty TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) gồm 2 pháp nhân là Tổng Công ty Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) mỗi bên nắm 50%, khi đó tổng mức đầu tư được công bố dự tính là 2,57 tỷ USD.

splen

 Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, An Khánh JVC được thành lập vào 2/10/2008, và thay đổi giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 4 vào ngày 28/12/2017, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. 

Công ty có 2 cổ đông là Tổng Công ty Vinaconex (sở hữu 50%) và Công ty CP Địa ốc Phú Long (sở hữu 50%). 

Dự án Splendora là một trong những dự án quy mô lớn nhất được quy hoạch và đầu tư tại phía Tây Thủ đô Hà Nội, với tổng diện tích lên tới hơn 264ha nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh, Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân khiến dự án này kéo dài là do tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" giữa liên doanh chủ đầu tư.

Video: Điểm mặt các dự án bỏ hoang nghìn tỷ đồng giữa Thủ đô

Trước đó, năm 2013 - 2014, Vinaconex đã nghiên cứu phương án thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp (50%) trong Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) - chủ đầu tư Dự án Splendora, nhưng đã thất bại.

Năm 2016, Vinaconex một lần nữa từ chối quyền ưu tiên mua trước phần vốn góp vào An Khánh JVC của Posco E&C (sở hữu 50% vốn góp), đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư thứ phát cho Dự án, song cũng không thành công.

Sự bất đồng trong quan điểm thực hiện giữa Vinaconex và Posco E&C xảy ra trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong các năm 2012 - 2014. Khi đó, Vinaconex muốn kéo dài thời gian thực hiện Dự án để chờ thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn, trong khi Posco E&C muốn giữ nguyên tiến độ đầu tư để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu Posco trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ như nhau giữa Vinaconex và Posco E&C (đều 50%), nên không bên nào giành được tiếng nói quyết định số phận Dự án. Hai bên sau đó tính đến phương án chia đôi Dự án để đầu tư xây dựng theo quan điểm của riêng mình, nhưng cũng không thành công.

Trong khi đó, khi vận hành giai đoạn I, đã xảy ra xung đột lớn giữa khách hàng và chủ đầu tư Dự án về các vấn đề quy hoạch xây dựng, chất lượng thi công…, khiến hình ảnh khu đô thị được mệnh danh là “nơi ước đến, chốn mong về” trở nên xấu hơn trong mắt giới đầu tư. Kết quả là, An Khánh JVC ghi nhận khoản lỗ 340 tỷ đồng năm 2015 và lỗ 83,5 tỷ đồng trong năm 2016.

Đến năm 2017, theo đại diện chủ đầu tư Vinaconex, đơn vị này sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/500 để có cơ sở triển khai giai đoạn II với các hạng mục nhà chung cư, biệt thự, nhà liền kề và công viên trung tâm.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn