• Zalo

'Tỷ phú chơi ngông' đất Hà thành và chiếc sập gỗ bạc tỷ

Kinh tếThứ Bảy, 26/11/2011 07:19:00 +07:00Google News

Phải mất hơn 2 năm để chủ nhân của chiếc sập có giá lên tới... 2 tỷ đồng này đi khắp Bắc Nam sưu tầm gỗ quý, và thêm ròng rã mấy tháng trời để hoàn thiện.

Phải mất hơn 2 năm để chủ nhân của chiếc sập có giá lên tới... 2 tỷ đồng này đi khắp Bắc Nam sưu tầm gỗ quý, và thêm ròng rã mấy tháng trời để hoàn thiện.

Chiếc sập dài 2 mét, cao 80 phân không cầu kỳ, kiểu cách nhưng lại toát lên vẻ sang trọng với màu vàng óng đẹp mắt. Những nét chạm khắc tinh tế, hằn in bàn tay khéo léo của người thợ tỉ mỉ dày công đục đẽo hàng năm trời.

 
Nhưng điều hút mắt người xem nhất đó chính là vô vàn những họa tiết đan xen ngay trên một mặt cắt nhỏ. Cái đẹp ấy đối với người bình thường đã là choáng ngợp, nhưng với người am hiểu về ngành gỗ còn thấy kỳ diệu hơn nhiều. Bởi, những họa tiết ấy chính là dấu tích ngẫu hứng của người nghệ sĩ thiên nhiên trên những thân cây gọi chung là nu.

Nu không phải là tên gọi các loại gỗ như: nghiến, gụ, lim… mà hiểu theo một cách nôm na là thuật ngữ chuyên môn của ngành lâm nghiệp chỉ các phát triển riêng biệt của cây. Từ thân cây bình thường, những phần nổi cộm tự nhiên hoặc do quá trình điều tiết, tự chữa chạy của cây đã tạo các bướu, sùi, nu… Để phát triển những nu này, cây phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Thời gian càng dài, thì nu càng lớn và càng có giá trị. Ví sự hình thành ngọc trai kỳ công bao nhiêu, thì thân gỗ làm nên một khối nu cũng khó khăn đến thế.

Thời xưa, vì yêu thích những đường vân kỳ diệu của nu, tuy nhiên, những cây có nu tự nhiên rất hiếm nên con người đã sáng tạo ra kỹ thuật “nuôi” nu khá kỳ công.

Bắt đầu bằng việc chọn những cây gỗ nhóm một có đường kính 30-40cm cưa ngang mặt đất, đánh dấu trên bản đồ rồi nuôi nu. Sau đó, cây mọc chồi lên, cứ chặt bỏ để lại 1-2 chồi. Năm sau lại đốn bỏ chồi cũ, chờ mọc lên chồi mới rồi cũng cắt bỏ chừa lại 1-2 chồi, lựa chọn mới luôn là chồi phía khác năm trước...

 
 
Cận cảnh chiếc sập gỗ bạc tỷ 
Cứ thế đến 60 năm. Với cách “nuôi” này, cây không chết, cũng không sống được! Phần gốc ngầm cứ phình ra năm phía này, năm phía khác, to dần và lặng lẽ tạo nên những hoa văn quặn thắt và bất ngờ đến tuyệt mỹ!

Nu được cắt mỏng lợp những bộ sa lông hộp sang trọng đế vương, hoặc treo tường thành tác phẩm tranh siêu thực.

“Tỷ phú chơi ngông”

Chủ nhân của chiếc giường trứ danh này, anh Trần Đức Thuấn (một đại gia trong làng sản xuất gỗ Hà Thành) vẫn được bạn bè hài hước gọi bằng biệt danh “tỷ phú chơi ngông”, bởi những đam mê sáng tạo những tác phẩm gỗ lạ và độc. Bức tượng phật di lặc khổng lồ, chiếc sập bằng nu… là một trong số đó.

“Tôi không dám nhận mình là nghệ sĩ, nhưng ngông chắc cũng đúng đôi phần. Bởi, hiện nay, hiếm ai nghĩ đến việc làm một chiếc sập lớn như thế bằng nu bao giờ.

Anh Thuấn bên pho tượng di lặc khủng.  
Tìm được khúc nu tròn trịa, không bị dính vào thịt, không nứt gãy, đảm bảo vân sáng đều, có nhiều xoáy đã là cả một kỳ công. Vì thế, không phải có tiền là tìm mua nu được, tôi nghĩ, ấy phải là cái duyên.

Để tìm được hết các phần nu hoàn thiện chiếc sập tôi đã phải dò hỏi khắp các mối từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn rồi nhập cả bên Lào… Cứ kiếm được phần chân, lại kiếm đến phần mặt… quãng thời gian ấy kéo dài hơn 2 năm ròng.

Tuy nhiên, việc bắt tay vào chế tác lại là cả một thách thức mới. Bởi, bản chất của nu khá giòn, xử lý không đúng chiều là gãy ngay. . Độ co bóp rất lớn nên dễ cong vênh, màu nu không sáng mà lại tối đi. Hơn nữa, nó còn rắn như đá. Có thể so sánh như thế này, với các loại gỗ khác, người thợ 3 ngày mới phải rửa cưa một lần, nhưng khi xử lý nu, một ngày có khi phải rửa cưa đến 8 lần.

Đôi bình bằng nu cũng là một trong những tác phẩm anh Thuấn rất yêu thích.  
Việc chế tác vì thế mà nhiều lần thất bại. Sau đó, tôi đã phải ra nước ngoài học tập kinh nghiệm chế tác nu. Cuối cùng, sau bao cố gắng, chiếc sập cũng đã ra đời và thành hình hài như ngày nay”, anh Thuấn kể.

“Tiền tỷ cũng không bán”

Anh Thuấn bảo, khi vừa hoàn thiện chiếc giường anh “sướng” đến nỗi mất ngủ. Bây giờ, nó cũng là vật cưng nhất của anh. Những lúc buồn hay công việc không được suôn sẻ anh lại mân mê, ngắm nhìn không biết chán những thớ gỗ diệu kỳ, bao nhiêu mệt nhọc, bao nhiêu phiền não tan biến.

“Là một doanh nhân trong nghề chế tác gỗ, đã đi nhiều nơi nhưng tôi chưa từng nhìn thấy một sản phẩm nu lớn và hoàn thiện như vậy. Đó cũng là niềm tự hào khó tả.

Cũng nhiều người trả giá rất cao, 1 tỷ, thậm chí có người ngã giá đến 2 tỷ đồng nhưng tôi vẫn không bán. Là một người kinh doanh, lợi nhuận tất nhiên là rất quan trọng, tuy nhiên, có những thứ không chỉ đơn giản là đồ vật mà còn là người bạn tâm giao của mình. Những thứ ấy, không thể định giá bằng tiền!”.

Lê Trang/ Bưu Điện Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn