Hoạt động buôn bán tại đây thường diễn ra mạnh vào những tháng hè chính vụ (mùa dưa bắt đầu từ tháng 2 tới tháng 9 hàng năm). Vậy mà con phố ấy đã tồn tại hơn 20 năm nay, là điểm trung chuyển dưa hấu từ tỉnh này đến tỉnh khác.
Làm một mùa, ăn cả năm
Có mặt ở khu phố dưa Đại Đồng buổi chiều những ngày tháng 8, ai cũng có thể thấy được được cảnh nhộn nhịp, tấp nập đón xe dưa từ Nam ra rồi lại gấp rút đóng vào các hộp chắc chắn, chuyển lên các tỉnh miền núi phía Bắc.
![]() |
Theo bác Nguyễn Đức Quế, chủ một hộ kinh doanh dưa hấu, "trước, cả gia đình có mấy sào ruộng làm chỉ đủ ăn, cuộc sống nghèo đói quanh năm. Giờ nghề buôn bán dưa cứu sống cả gia đình. Mặc dù việc buôn bán chỉ tấp nập được vài tháng/năm theo mùa, những tháng còn lại thì túc tắc nhưng số tiền kiếm được trong vài tháng ấy cũng đủ sống dư cả năm".
Bác Quế tiết lộ: "Nhiều gia đình ở đây giàu lên nhờ buôn bán dưa, năm nào làm ăn được thì thu nhập lên tới hàng tỷ đồng; năm nào thị trường không ổn định, dưa mất giá thu nhập cũng phải có được khoảng trên dưới 500 triệu đồng".
![]() |
Vào những tháng cao điểm, dưa về nhiều, trung bình mỗi hộ bán dưa phải thuê thường xuyên 5-10 người bốc vác tiền công trả theo từng chuyến hàng. Theo đó, thu nhập của dân bốc vác thuê cũng vào diện "khủng". Chị Thúy, một nhân công bốc vác thường xuyên của hộ kinh doanh nhà bác Quế, cho hay "tuy vất vả một chút nhưng thu nhập khá cao. Ngày nào nhiều hàng, bốc vác nhiều công có thể được cả triệu đồng".
Theo tìm hiểu, ban đầu, phố dưa chỉ bán loại dưa do chính làng trồng. Thời gian ngắn sau, các hộ buôn dưa hấu ven quốc lộ 2 đã nhanh chóng mở rộng quy mô lấy hàng từ Nam ra Bắc, thậm chí sang cả Trung Quốc để đánh dưa về bán. Bây giờ, ở đây chuyên nhập dưa từ khắp các nơi về rồi bán đi cho dân buôn ở các tỉnh khác.
Ông Nhất, một người kinh doanh dưa hơn 10 năm tại đây, cũng cho biết: "Ở đây chỉ là điểm trung chuyển, là khâu trung gian nên mỗi ký dưa chỉ lãi khoảng 500-1.000 đồng. Tuy nhiên, một ngày thường xuất vài chục tấn dưa, có khi nhiều hơn nếu nhu cầu tiêu thụ từ các mối cao.
Theo đó, tính ra một hộ kinh doanh cũng kiếm được vài chục triệu/ngày là chuyện không khó. Hộ cá biệt, làm lớn lợi nhuận thu về mỗi ngày còn cao hơn nhiều".
![]() |
Cũng từ đây, dưa lại được chuyển đi các tỉnh xung quanh vì đa số các hộ kinh doanh ở đây kết hợp bán buôn và bán lẻ tốt. Vào những tháng cao điểm, chính vụ có thể hoạt động buôn bán thường diễn ra gần như thâu đêm.
Bán lẻ là... cân điêu
Mặc dù là một chợ dưa lớn chịu sự quản lý của chính quyền nhưng tình trạng cân điêu khi bán lẻ dưa cho khách hàng lại diễn ra khá phổ biến. Nhiều thủ thuật được người buôn dưa lợi dụng khi tiếp cận với những khách hàng lạ để thu lợi cao hơn.
Rất nhiều khách hàng đã trở thành nạn nhân của các cửa hàng này. Theo phản ánh, đa số khách khi mua dưa về cân lại đều thiếu 0,5-1kg. Với giá dưa hiện tại, họ mất từ 10.000 - 20.000 đồng/quả. Điều đáng nói là tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay khiến người dân rất bức xúc.
Anh Nguyễn Hải Thành (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có việc lên thành phố Việt Trì, Phú Thọ nên tạt vào cửa hàng ở đây mua một quả dưa kẻ ngang cỡ lớn làm quà. Khi cân xong, chủ cửa hàng thông báo là 7kg nhưng về cân lại thiếu hơn 1kg, tức gần 20.000 đồng. Anh bức xúc "không biết họ còn lừa được bao nhiêu người qua đường như mình nữa".
Tương tự, chị Lê Thị Giang ở phố Lê Xoay, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) lên Yên Bái chơi, lúc về qua đó mua hai quả dưa Sài Gòn gần 8kg nhưng về cân lại chỉ còn hơn 7kg một chút. Chị Giang cho biết: "Mình nghe nói ở đây bán dưa thường cân điêu nên đã yêu cầu người bán hàng trừ hao 5 lạng. Không hiểu sao, trừ rồi vẫn thiếu như thường".
Theo người dân trong vùng, loại cân nhỏ đã được chỉnh kim từ trước, và theo đó cứ mỗi 1kg dưa thì chủ hộ lại ăn gian được khoảng 200g. Cứ như vậy, mỗi quả dưa cả chục ký, bán cho hàng trăm khách đã giúp chủ kinh doanh lời lãi lớn.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Đông, Phó chủ tịch xã Đại Đồng, nhận xét, đúng là phố dưa đã được họp cách đây hơn 20 năm và ngày càng phát triển, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ kinh doanh dưa ven quốc lộ đều kinh doanh trái phép, không nộp thuế thậm chí xây dựng trái phép trên nền đất canh tác.
Như lời ông Đông nói, chính quyền xã đã nhiều lần can thiệp phá bỏ các lán dưa trái phép nhưng lợi nhuận kinh doanh quá lớn khiến các hộ kinh doanh đều bất chấp.
Về tình trạng cân điêu, gian lận trong buôn bán ông Đông cho rằng đó là những vi phạm trắng trợn, tuy nhiên, việc vi phạm này là do tự thân các chủ hộ kinh doanh, không phải lúc nào cũng diễn ra nên chính quyền rất khó có thể quản lí cũng như can thiệp.
Trong tương lai "xã sẽ quy hoạch khu phố dưa vào một khu chợ đầu mối riêng để tránh ảnh hưởng đến giao thông bên quốc lộ cũng như dễ bề quản lý hơn" - ông Đông nói.
Theo VNN
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận