• Zalo

Tỷ phú 100 tuổi vẫn đến công ty mỗi ngày

Kinh tếThứ Năm, 06/12/2018 07:39:00 +07:00 Google News

Dù đã giao quyền điều hành cho con trai, ông Chang Yun Chung không muốn ở nhà vì cảm thấy buồn chán.

Ở tuổi 100, Chang Yun Chung (hay còn gọi là Teo Woon Tiong) - tỷ phú cao tuổi nhất thế giới lẽ ra nên nghỉ ngơi và tận hưởng khối tài sản khổng lồ sau 80 năm đi làm. Tuy nhiên, nhà sáng lập Pacific International Lines (Singapore) lại không muốn ở nhà.

Ông Chang hiện có 1,9 tỷ USD, theo Forbes và thuộc top 50 người giàu nhất Singapore. Đầu năm nay, ông đã giao lại chức Chủ tịch điều hành cho con trai - Teo Siong Seng, nhưng vẫn đến văn phòng mỗi ngày. "Nó là thói quen của tôi rồi", ông cho biết trên CNBC.

chang

Hai cha con Teo Siong Seng và Chang Yun Chung. (Ảnh: PIL) 

Ông hiện là chủ tịch danh dự của PIL - chức danh nhằm tôn vinh cống hiến của ông cho công ty 51 tuổi này. Chang cho biết mỗi ngày ông đều đến trụ sở công ty để ghé qua mọi phòng ban và xem công ty hoạt động thế nào. "Ngày nào tôi cũng viết hết hoạt động của mình vào nhật ký. Các phòng ban nào cũng tới để gặp tôi", Chang cho biết.

Với ông, đây là cách giúp trí não luôn minh mẫn và duy trì kết nối với công ty ông đồng sáng lập năm 1967. "Tôi không ở nhà được. Tôi sẽ phát chán mất", tỷ phú cho biết.

Dù vậy, thói quen chỉ là một phần nguyên nhân. Ông vẫn đang hướng dẫn con trai cách điều hành công ty, vì tự nhận thấy mình có trách nhiệm lớn đối với hãng vận tải biển nằm trong top 20 thế giới với 18.000 nhân viên. Teo cho biết anh hỏi ý kiến cha hai lần một ngày. Một lần vào buổi sáng và một lần sau bữa trưa, để hiểu thêm vấn đề và học hỏi phong cách lãnh đạo của cha mình.

Với Teo, việc này rất cần thiết trong quá trình thăng tiến của anh tại PIL, đặc biệt hữu ích để kiềm chế sự nóng nảy khi phải chịu sức ép. "Khi còn trẻ, tôi khá nóng tính. Vì thế, tôi là một lãnh đạo rất nghiêm khắc", Teo cho biết, "Nhưng cha tôi đã dạy tôi một điều, trong tiếng Trung Quốc, là Dĩ đức phục nhân. Nó có nghĩa nếu anh muốn mọi người nghe theo mình, đừng dùng quyền thế hay sự hung dữ, hãy lấy tài và đức của mình để họ thực sự tôn trọng và đi theo. Đây là một việc rất khó, nhưng tôi cho rằng mình đang dần học được rồi".

Teo đã áp dụng bài học này năm 2009, khi anh còn là giám đốc điều hành PIL. Khi đó, một tàu của PIL gặp cướp biển tại Đông Phi. Họ đã mất 75 ngày và phải trả một khoản tiền để giải cứu các thủy thủ.

"Trong bất kỳ ngành nào, đặc biệt là vận tải biển, rủi ro đều rất nhiều", Teo cho biết, "Có thể là vấn đề chính trị, kỹ thuật hoặc tai nạn. Mất bình tĩnh chẳng giải quyết được gì cả. Đây là điều tôi đã học được từ cha mình, và vẫn đang cải thiện".

Chang thì cho biết chính sự bình tĩnh đã giúp ông luôn hạnh phúc với vai trò của mình. "Tôi chẳng mất bình tĩnh bao giờ. Tôi không thể làm điều này. Vì khi mất bình tĩnh, anh sẽ không kiểm soát được bản thân", ông nói.

(Nguồn: Vnexpress)
Bình luận
vtcnews.vn