Tình trạng người mắc bệnh trĩ ở thành thị đang có xu hướng tăng cao và trẻ hóa hơn rất nhiều so với thời gian trước.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc trĩ
BS Hoàng Đình Lân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc bệnh trĩ tại Mỹ ở những người từ 50 tuổi trở lên chiếm trên 70%.
“Tại Việt Nam, qua một số thống kê chúng tôi thấy rằng từ trên 40 tuổi, số người mắc trĩ chiếm đến 60-70%”, BS Lân thông tin.
Đáng lưu ý, gần đây tỷ lệ người trẻ mắc trĩ ngày càng nhiều hơn, nhất là khối văn phòng hoặc những người thường xuyên sử dụng rượu bia.
Theo BS Lân, người trẻ hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực như sức ép công việc, sức ép xã hội. Cộng thêm đó là lối sống thiếu kiểm soát, dùng nhiều rượu bia, ăn uống thất thường, thể dục thể thao hạn chế...
“Có bạn còn quên ăn, quên ngủ để dành thời gian lướt mạng cộng với nhiều loại thực phẩm hiện nay không đảm bảo vệ sinh dễ gây viêm đại tràng, dẫn tới bệnh trĩ. Hoặc sinh hoạt thái quá, dễ dẫn tới các bệnh nhiễm trùng, phải dùng điều trị kháng sinh thì cũng sẽ dễ mắc trĩ”, BS Lân giải thích.
Nghiên cứu sâu hơn đặc điểm dân cư, TS Nguyễn Thị Quỹ, Phó Chủ tịch hội Tiêu hóa Hà Nội cho biết, xu hướng chung của bệnh trĩ là tỉ lệ mắc ngày càng lớn, kể cả thành thị và nông thôn.
“Tuy nhiên có sự khác biệt là tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở thành thị cao hơn nông thôn do môi trường làm việc căng thẳng, cường độ làm việc quá nhiều, hay thức khuya, chế độ sinh hoạt đảo lộn”, BS Quỹ chia sẻ.
Với một số bệnh nhân làm việc tại những cơ quan hành chính hoặc ở trong các văn phòng ít hoạt động, ít giao lưu, thường xuyên ngồi nhiều là nguyên nhân khiến tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở người thành thị cao hơn.
Trong khi đó ở nông thôn, do đặc thù phải làm nhiều việc nặng nhọc, bê vác nhiều là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.
Thêm vào đó, chế độ ăn uống ở nông thôn còn nhiều thiệt thòi, nhiều trường hợp bị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn đường ruột và gây nên các chứng như kiết lỵ, đi ngoài nhiều lần. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho trĩ xuất hiện.
Đi khám khi đã muộn
Anh Lâm Tiến Thanh, 35 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, anh mắc bệnh trĩ gần 5 năm nay, mỗi lần đi đại tiện rất rát nhưng cố chịu.
Gần 3 tháng nay, khi búi trĩ sa dài xuống, sưng to, không co vào trong được, đi đại tiện lúc ra máu tươi, lúc nhỏ giọt khiến bản thân đau đớn không chịu được mới đi khám thì bệnh đã chuyển trên cấp độ 4 với 3 búi trĩ, chỉ định phẫu thuật.
Chị Hằng (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kể chị bị trĩ từ hồi năm 2 ĐH nhưng nghĩ bệnh chỗ kín không ai biết nên cố giấu.
“Sau khi lấy chồng, bệnh ngày càng nặng thêm. Hôm nào chỉ vui miệng ăn tương ớt hay mắm ớt là y như rằng hậu môn chảy máu liên tục, ngồi khóc rưng rức ở nhà vệ sinh”, chị kể.
Đỉnh điểm sau khi sinh con xong, tần suất chảy máu ngày một nhiều khiến người chị gầy rộc. Búi trĩ sưng to, chạm vào là đau khiến chị không thể ngồi dậy bế con được. Khi đi khám, bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật càng sớm càng tốt không nguy cơ bị hoại tử.
Tình trạng của chị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) còn nghiêm trọng hơn. Khi sinh con, phần vì rặn không đúng cách, phần có tiền sử bệnh trĩ nhẹ từ trước nên 2 búi trĩ dài ra 2 đốt ngón tay, sưng tấy đỏ, không co lên được. Mỗi khi đi lại, ngồi hay nằm đều đau nhức khó chịu vô cùng.
Từ thực tế thăm khám cho vài nghìn bệnh nhân mỗi năm, TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc BV Y học cổ truyền TƯ cho biết, có tới 60% bệnh nhân mắc trĩ đều đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn 3, 4.
Trong khi nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1, 2, chỉ cần điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc thay đổi chế độ sinh hoạt để bệnh không nặng thêm thì đến giai đoạn 3-4 sẽ phải phẫu thuật.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi
Video: Đại tiện ra máu, cảnh báo nguy hiểm không chỉ riêng bệnh trĩ
Bình luận