Campuchia tiếp tục ghi nhận thêm hơn 500 ca mắc COVID-19 trong khi Malaysia có nguy cơ bị nhấn chìm trong thảm họa COVID-19.
Nhân viên sứ quán Mỹ tại Campuchia mắc COVID-19
Một nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh được xác nhận mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ hai liều vaccine của hãng dược Pfizer.
Theo Khmer Times, nhân viên này tiêm liều vaccine thứ hai khoảng 2 tuần trước. Người phát ngôn sứ quán Mỹ Chad Roedemeier xác nhận thông tin này.
"Nhân viên trên được cách ly nghiêm ngặt và được chăm sóc y tế thích hợp. Đại sứ quán đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan y tế Campuchia để đảm bảo đáp ứng tất cả các yêu cầu về sức khỏe của chính phủ nhằm ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào của COVID-19", ông này nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới trước đó cảnh báo vẫn sẽ có những trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm phòng đầy đủ, nhưng tỷ lệ này không cao. Cơ quan y tế toàn cầu của Liên hợp quốc kêu gọi người dân cảnh giác mọi lúc.
Theo Phnompenh Post, nhân viên của sứ quán Mỹ có thể chưa tạo ra đủ khả năng miễn dịch để chống lại COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ từng cảnh báo cơ thể có thể mất 2 tuần hoặc hơn để phát triển khả năng miễn dịch chống COVID-19.
Dịch bệnh tại Campuchia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Campuchia hôm 5/6 ghi nhận thêm 538 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 33.613 trường hợp.
Hôm 4/6, quốc gia này ghi nhận 3 ca mắc biến thể B.1.617 có nguồn gốc từ Ấn Độ đầu tiên. Cả 3 bệnh nhân đều nhập cảnh Campuchia từ Thái Lan.
Tỷ độ lây nhiễm của Malaysia còn cao hơn Ấn Độ
Theo ông Munir Majid - Chủ tịch tổ chức tư vấn độc lập CARI ASEAN Research and Advocacy, nếu xét về số ca mắc COVID-19 mới trên 1 triệu người, tỷ lệ lây nhiễm của Malaysia còn cao hơn cả Ấn Độ.
Tính tới ngày 2/6, số ca mắc trung bình trong 7 ngày của Malaysia trên 1 triệu trường hợp là 237,45. Tỷ lệ này của Ấn Độ là 111,06.
Hôm 5/6, Malaysia ghi nhận thêm 7.452 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 610.574 trường hợp. Quốc gia này hiện là vùng dịch lớn thứ 3 Đông Nam Á, sau Philippines và Indonesia.
Theo NPR, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia tăng hơn 60% trong vòng 14 ngày qua. Số ca bệnh hiện tại ở nước này cao gấp 5 lần so với đầu năm.
Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cảnh báo hệ thống y tế nước này đang rơi vào tình trạng quá tải và các giường điều trị đặc biệt phải hoạt động với công suất 104%.
Ông Abdullah cho biết đợt bùng phát dịch ngày càng nghiêm trọng hiện nay có thể buộc các bác sỹ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là để bệnh nhân nào tiếp tục điều trị và bệnh nhân nào dừng lại. Giường điều trị đặc biệt sẽ giành cho các bệnh nhân có tỷ lệ sống sót cao hơn.
Hơn 1.200 người Malaysia chết vì COVID-19 trong tháng 5, gần gấp 3 lần so với 471 trường hợp thiệt mạng trong cả năm 2020.
Hôm 1/6, Malaysia bắt đầu phong tỏa toàn quốc trong nỗ lực làm phẳng đường cong lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà máy vẫn được phép hoạt động với 60% công suất. Điều này tạo ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt về hiệu quả của đợt phong tỏa này.
Bình luận