Thiếu thùng, dân “tùy nghi xả rác”
Tại nhiều tuyến phố, khu dân cư (đặc biệt là các khu chung cư) của TP Hà Nội hiện nay vẫn xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi ra nơi công cộng, dù cho Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực với chế tài xử phạt khá nặng.
Anh Cao Mạnh Tuấn, một người dân sống ở khu chung cư thuộc KĐT Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều hôm đi làm về thấy phía dưới sân chung cư ngập rác. Những người ở tầng trên họ ném xuống dưới sân đủ các loại rác, từ giẻ lau, vỏ hộp bánh kẹo, giày dép cũ, thậm chí cả... băng vệ sinh phụ nữ!”.
Cũng theo anh Tuấn, tình trạng này diễn ra khá lâu và khá phổ biến. Cũng nhắc nhở nhưng rồi đâu lại vào đấy.
“Ở các tầng của chung cư vẫn có thùng rác. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà họ cứ tiện tay ném thẳng xuống dưới. Tôi cho rằng cái chính là do ý thức quá kém”, anh Tuấn bức xúc nói.
Theo tìm hiểu, không riêng gì ở các chung cư của KĐT Nam Trung Yên mà tình trạng xả rác thải sinh hoạt bừa bãi nói trên hiện nay cũng khá phổ biến ở các chung cư tại Hà Nội.
Ngoài các khu chung cư, trên nhiều tuyến phố chính của Hà Nội chỉ sau một đêm cũng ngập những rác.
Chị Nguyễn Thu Hà, chủ một cửa hàng bán đồ ăn trên phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm) cho biết: “Như cửa hàng của tôi thì có thùng rác riêng, khách vào quán ăn xong thì họ bỏ rác vào thùng. Chứ nhiều nơi không có thùng rác, khách tiện đâu thì ném đấy, thường là ném dưới gốc cây. Thùng rác công cộng thì không có, nên nhất là buổi tối, người dân đi chơi, đi dạo họ không có chỗ bỏ rác thì ném ra đường thôi”.
Theo quan sát, tại nhiều tuyến phố chính của Hà Nội, khoảng sau 21h là không còn đặt thùng rác trong khi nhu cầu bỏ rác sinh hoạt của người dân vẫn còn. Thiếu thùng rác, nên người dân cứ “vô tư” ném rác ra đường phố, coi như chuyện đã rồi.
Trách nhiệm thuộc về thành phố
TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học) cho rằng để xảy ra tình trạng người dân xả rác bừa bãi nói trên một phần còn có trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội trong việc chậm trễ quy hoạch quản lý thùng rác trên địa bàn.
Việc đặt thùng rác công cộng trên vỉa hè để người dân có nơi đổ rác, bảo đảm văn minh đô thị, sạch sẽ các tuyến phố. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng lại xảy ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười”...
“Trước đây người ta đặt cố định các thùng thu gom rác ở một số vị trí. Dân có rác có thể đem ra đổ vào và đến giờ thì xe đến lấy đi. Nay chẳng hiểu sao tự nhiên lại thay đổi, chỉ thu gom trong những giờ nhất định trong ngày. Xe đến thu thì gõ chuông gõ kẻng... Nhiều người không có nhà trong các giờ ấy nên họ không có chỗ đổ và họ lén vứt vào các góc đường. Đấy chính là điều làm cho rác vẫn ngập ngụa”, TS Vũ Thế Long nói.
TS Long cho rằng: "Xả rác bừa bãi thì phạt người dân. Nhưng không có thùng rác thì người dân bỏ rác vào đâu? Mà phạt người dân cũng không phải là giải pháp hay đâu. Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy họ cũng không phải họ dùng chế tài xử phạt để giải quyết vấn đề rác mà cái chính là họ đầu tư rất nhiều cho hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ta thì nâng lên thành Nghị định, quy định phạt sao cho thật nặng. Đó là chỉ nhìn từ phía người quản lí. Còn nhìn từ phía người dân, thì chính quyền đã làm tròn trách nhiệm quản lí và quy hoạch hay chưa? Quy hoạch rác vừa lãng phí, vừa bất hợp lí thì ai phạt những người quy hoạch?"
Theo TS Vũ Thế Long, vấn đề chính đặt ra cho TP Hà Nội lúc này là phải quy hoạch thùng rác sao cho hợp lý, vừa đảm bảo được việc đáp ứng nhu cầu của người dân song lại vẫn phải đảm bảo được yếu tố mỹ quan đô thị.
Cũng theo TS Vũ Thế Long, việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng, bởi cái chính vẫn là phải quy hoạch thùng rác sao cho hợp lý, từ đó kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.
Các thùng rác đặt để dân vãng lại bỏ rác vào cũng cần làm sao tiện lợi và tránh hình thức.
Video: TS Vũ Thế Long nói về quy hoạch thùng rác ở Hà Nội
Bình luận