Phần hai hành trình của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 mở màn với cuộc tiếp đón Ả Rập Xê Út vào ngày 16/11 tới. Thầy trò HLV Park Hang Seo đã nhận về nhiều bài học trong lượt đi, và cuộc tái đấu với các đối thủ ở giai đoạn lượt về sẽ cho thấy tuyển Việt Nam tiếp thu thế nào.
Video: Việt Nam 0-1 Nhật Bản
Bài học lượt đi
HLV Herve Renard đứng trong danh sách 25 HLV được đề cử xuất sắc nhất năm. Dù khả năng thắng rất thấp, song sự hiện diện của nhà cầm quân người Pháp ở hạng mục bầu chọn là ghi nhận xứng đáng. Ông đang có chuỗi 11 trận bất bại cùng Ả Rập Xê Út, đứng đầu bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022, xếp trên Australia và Nhật Bản.
Tuy nhiên, màn trình diễn của "Chim ưng xanh" chưa hoàn hảo. Vẫn có những vết gợn, mà không ít trong số đó xuất hiện ở cuộc so tài với Việt Nam hôm 3/9.
Tuyển Việt Nam là đội duy nhất ghi bàn dẫn trước Ả Rập Xê Út ở lượt đi vòng loại thứ ba. Không chỉ làm rung mành lưới đối thủ trước, trận gặp Ả Rập Xê Út duy nhất, tuyển Việt Nam khép lại hiệp 1 với lợi thế dẫn bàn.
Điều đó có nghĩa: Ả Rập Xê Út dẫu mạnh, nhưng vẫn có sơ hở. Tuyển Việt Nam đã nhìn thấy sơ hở này và khai thác khá tốt với bàn mở tỷ số sớm của Nguyễn Quang Hải.
Ngay phút thứ 3, đội bóng của HLV Park Hang Seo bất ngờ đẩy cao tốc độ trận đấu, tổ chức phản công với 4 cầu thủ cùng tiếp cận vòng cấm. Quân số đông đảo của tuyển Việt Nam ở tình huống này khiến Ả Rập Xê Út lúng túng, dẫn đến pha phá bóng hớ hênh của trung vệ chủ nhà.
HLV Renard đã lường trước tuyển Việt Nam sẽ chơi 5-4-1 với 4 tiền vệ giăng ngang ở giữa, song ông không ngờ tuyển Việt Nam "dám" tấn công, với một đường bóng bài bản và trực diện. Sự táo bạo đã mang về quả ngọt.
Dù vậy, bất ngờ từ Quang Hải cùng đồng đội chỉ mang tính thời điểm. Với hệ thống 4 tiền vệ giàu kỹ thuật và xoay sở tốt, HLV Park Hang Seo kỳ vọng học trò có thể cầm nhịp thế trận, luân chuyển bóng nhịp nhàng để hóa giải sức ép của Ả Rập Xê Út.
Kế hoạch của ông đổ vỡ trong hiệp 2 khi Ả Rập Xê Út chơi với hàng tiền vệ 5 người (hai hậu vệ cánh dâng lên đá ngang với tiền vệ), kết hợp với 3 tiền đạo để tạo thành hệ thống 8 người di chuyển nhịp nhàng giữa sân.
Các mũi công Ả Rập Xê Út di chuyển quá tốt, thường xuyên tạo ra thế 2 đấu 1 hoặc 3 đấu 2, khiến hàng tiền vệ Việt Nam dễ dàng bị loại bỏ.
Những đường chuyền xuyên tuyến, đánh bại lớp phòng ngự tuyến hai của Việt Nam được Ả Rập Xê Út thực hiện với tần suất dày hơn trong hiệp 2. Từ một đường chuyền như vậy, tiền đạo chủ nhà đã loại bỏ Vũ Văn Thanh và thực hiện cú sút khiến Duy Mạnh phải truy cản bằng tay.
Khi hàng tiền vệ bất lực, hàng thủ phải chơi ở thế co cụm, bị động và sụp đổ như lẽ tất yếu. Đó là trận đấu cho thấy khiếm khuyết của tuyển Việt Nam, đó là khả năng phòng ngự trước những đối thủ hàng đầu, khả năng tổ chức lối chơi và phản công ở những trận đấu bị vây ráp với cường độ cao.
Sau trận gặp Ả Rập Xê Út, tuyển Việt Nam thua thêm 4 trận nữa với những kịch bản khác nhau. Dù vậy, thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn thể hiện được sự tiến bộ, mà 90 phút kiên cường trước Nhật Bản là điểm tựa để tuyển Việt Nam có thể giăng bẫy "Chim ưng xanh" tối 16/11 tới.
Tự tin chơi bóng
Pha đi bóng qua người kỹ thuật của Quang Hải ở trận gặp Nhật Bản là khoảnh khắc lóe sáng hiếm hoi, nhưng là minh chứng cho sự tự tin của tuyển Việt Nam ở sân chơi lớn.
Pha đi bóng ấy có thể không đến, nếu trước đó Hải "con" không được cọ xát với những đối thủ mạnh nhất như Australia, Ả Rập Xê Út hay Oman. Sự tự tin cũng là yếu tố then chốt để tuyển Việt Nam mở cánh cửa hướng đến điểm số đầu tiên.
Điểm chung ở cả hai thất bại của tuyển Việt Nam trên sân nhà (trước Australia và Nhật Bản) là đội bóng của Park Hang Seo thường co cụm phòng ngự trong hiệp 1, rồi mở đội hình ra, chủ động chơi sòng phẳng trong hiệp 2.
Theo nhà cầm quân người Hàn Quốc, các cầu thủ có phần "tự ti" khi gặp các đối thủ hàng đầu. Sự tự ti ấy khiến đội tuyển có xu hướng căng cứng, để rồi chỉ chơi tốt khi đã quá muộn. Trận gặp Ả Rập Xê Út thì ngược lại, tuyển Việt Nam hưng phấn trong lần đầu dự vòng loại ba, dẫn đến khởi đầu tốt, nhưng không giữ được cảm hứng đến hết trận.
Quá hưng phấn hay tự ti đều là trạng thái tâm lý có hại với tuyển Việt Nam. Điều quan trọng là cầu thủ cần có tâm lý ổn định, tỉnh táo và cân bằng. Đó cũng là khác biệt của nhóm đội tuyển đứng ở đỉnh cao châu lục, so với những đội "đang lên" như tuyển Việt Nam.
Nhờ tâm lý vững, nên Nhật Bản, Australia không cần chơi quá hay để lấy 3 điểm ở Mỹ Đình, hay Ả Rập Xê Út dẫn đầu bảng dù còn hạn chế trong phòng ngự lẫn tấn công. Trong khi tuyển Việt Nam đá hết lực, mà vẫn chưa có điểm số nào.
Các học trò của HLV Park Hang Seo cần cách tiếp cận tỉnh táo, khoa học, cùng tâm lý ổn định để có thể chơi bóng theo cách của mình, thay vì cuốn vào lối chơi của đối thủ. Giữ vững trận địa phòng ngự, cầm bóng chắc chắn khi giành lại quyền kiểm soát,... là những gì tuyển Việt Nam hướng đến vào lúc này.
Dưới thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam chưa từng thua quá 1 bàn ở các giải chính thức khi được chơi tại Mỹ Đình. Do đó, chỉ cần 1 bàn thắng, cơ hội có điểm của ĐTQG là không nhỏ.
Bình luận