• Zalo

Tuyển Việt Nam: Thoái trào hay khởi đầu chu kỳ thành công mới?

Bóng đá Việt NamThứ Bảy, 29/01/2022 11:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau 4 năm đầy ắp vinh quang và trải nghiệm đỉnh cao cùng HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung chuẩn bị bước vào chu kỳ mới.

Tuyển Việt Nam đang đi đến điểm cuối của chu kỳ thành công đầu tiên, được mở ra bởi "kiến trúc sư trưởng" Park Hang Seo cách đây 4 năm.

Ngày nhà cầm quân người Hàn Quốc sang Việt Nam, các cấp độ đội tuyển chìm trong khủng hoảng, liên tục thất bại ở sân chơi châu Á. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của vị huấn luyện viên (HLV) 63 tuổi cùng học trò, bóng đá Việt Nam đã thăng tiến vượt bậc.

U23 Việt Nam vào chung kết châu lục, vô địch SEA Games, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, lọt vào tứ kết Asian Cup, lần đầu tiên góp mặt ở vòng loại thứ ba World Cup - nấc thang cao nhất mà bóng đá Việt Nam trước đây chưa từng chạm tới. Dù không bảo vệ thành công ngai vàng AFF Cup, nhưng tuyển Việt Nam đã có năm thi đấu 2021 đầy nỗ lực và trưởng thành. 

Tuyển Việt Nam: Thoái trào hay khởi đầu chu kỳ thành công mới? - 1

Tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. 

Sau chiến dịch vòng loại thứ ba, bóng đá Việt Nam sẽ khép lại chu kỳ vinh quang rực rỡ đầu tiên để mở ra một trang mới, trong trạng thái bình thường mới?

Kiến tạo nên một chu kỳ thành công nữa, hay rơi vào giai đoạn thoái trào như bóng đá Thái Lan, Trung Quốc đã từng? Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo cùng nỗ lực của cả hệ thống bóng đá Việt Nam.

Bài học từ Thái Lan 

4 năm trước, tuyển Thái Lan từng lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Thầy trò HLV Kiatisak Senamuang trước đó 2 lần liên tiếp vô địch AFF Cup, vượt vòng loại thứ hai với những chiến thắng giòn giã ở bảng đấu có tuyển Việt Nam và Iraq. Vị thế Thái Lan tương tự Việt Nam lúc này: Là "ông vua" Đông Nam Á, dự vòng loại cuối với khát khao biến giấc mộng World Cup thành hiện thực.

Tuy nhiên, tuyển Thái Lan sớm vỡ mộng trước thực tế khắc nghiệt. Sau 10 trận, Chanathip Songkrasin cùng đồng đội chỉ giành được 2 trận hòa, nhận 8 thất bại. HLV Kiatisak chịu sức ép dẫn đến quyết định từ chức.

Ông chia sẻ: "Mục tiêu ấy quá cao, quá khó để thực hiện. Tôi từ chức để mở đường cho một người khác có thể làm được việc này. Trong bóng đá, chúng ta không thể lúc nào cũng thắng. Đó là điều mà Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan và Ban điều hành Liên đoàn đã bỏ qua khi đánh giá về tôi".

Bóng đá Thái Lan đã đánh giá sai tầm vóc của sân chơi còn dữ dội và khắc nghiệt hơn Asian Cup, dẫn đến gây sức ép không đáng có lên HLV Kiatisak cùng cầu thủ. Sau khi nhà cầm quân có biệt danh "Zico Thái" rời đi, tuyển Thái Lan sa sút theo chiều thẳng đứng: Bị loại ở AFF Cup 2018, thua sớm tại vòng bảng SEA Games 2019, đứng áp chót ở vòng loại thứ hai World Cup 2022.

Tuyển Việt Nam: Thoái trào hay khởi đầu chu kỳ thành công mới? - 2

Tuyển Thái Lan (áo đỏ) từng rơi vào giai đoạn khủng hoảng sau thất bại ở vòng loại World Cup.

Thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup 2018 không phải nguyên nhân trực tiếp khiến bóng đá Thái Lan suy yếu. Đội tuyển xứ Chùa Vàng "xuống dốc" bởi định vị sai năng lực và chỗ đứng của nền bóng đá. Khi đặt đội tuyển ở vị trí quá cao so với bản thân, dễ dẫn tới tính toán sai lầm.

Thái Lan tưởng rằng có thể vươn tới World Cup nếu bổ nhiệm một nhà cầm quân từng huấn luyện ở World Cup (như Milovan Rajevac, Akira Nishino), nhưng thực tế thì ngược lại. Khi cái nền chưa vững, không thể vội vàng xây một công trình nguy nga. 

Đó là bài học bóng đá Việt Nam phải tránh. Những thành công đến quá nhanh trong 4 năm qua, khi một đội tuyển vừa thua ở bán kết AFF Cup chỉ mất 3 năm để đá ngang ngửa Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup, có thể tạo ra sự ngộ nhận. Quả thực, tuyển Việt Nam tiến bộ không ngừng nhờ mồ hôi, nước mắt của cả hệ thống bóng đá dưới sự chỉ huy của "tướng tài" Park Hang Seo.

Tuy nhiên, tuyển Việt Nam khó mộng mơ xa xôi, hay đặt những mục tiêu quá cao chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Những thất bại ở vòng loại thứ ba, dẫu chua chát, cay đắng và phảng phất tiếc nuối, nhưng là điều cần thiết để tuyển Việt Nam tái định vị chỗ đứng, hiểu rằng mình đang ở đâu giữa bản đồ bóng đá châu lục. 

Tuyển Việt Nam: Thoái trào hay khởi đầu chu kỳ thành công mới? - 3

Tuyển Việt Nam chưa có điểm ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. 

Được trực tiếp so tài với những đội tuyển hàng đầu châu Á là trải nghiệm vô giá, đôi khi dùng tiền cũng không mua được. Sau 6 trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022, tuyển Việt Nam lại tích lũy thêm bài học với thất bại trước Thái Lan tại AFF Cup 2020.

Một chiến dịch không thành công, không đồng nghĩa bóng đá Việt Nam đi xuống, hay tuyển Việt Nam bước tới giai đoạn thoái trào. Điều quan trọng lúc này là phải ngồi lại, đặt mục tiêu phù hợp và thiết lập hướng đi mới cho đội tuyển quốc gia. 

Khởi động chu kỳ mới 

Mục tiêu trước tiên là củng cố vị thế số 1 Đông Nam Á. Thái Lan từng buông bỏ AFF Cup, SEA Games để làm bàn đạp cho những sân chơi lớn hơn, nhưng đó là nhận định sai lầm.

Dẫu sân chơi Đông Nam Á không thể so với châu Á về tầm vóc lẫn trình độ, song chiến thắng ở giải đấu mà nhiều người mỉa mai là "ao làng" thực chất vô cùng giá trị, là bàn đạp, điểm tựa tinh thần cho mọi đội tuyển nếu muốn vươn cao.

Nhờ cú hích từ vô địch AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam đã hiên ngang bước ra Asian Cup, vượt qua nhiều đội tuyển mạnh để có mặt tại tứ kết. Bóng đá Việt Nam không nhất thiết phải đặt nặng thành tích, căng sức chiến đấu ở mọi giải, mà cần có sự tính toán, phân sức hợp lý.

Tuyển Việt Nam: Thoái trào hay khởi đầu chu kỳ thành công mới? - 4

Tuyển Việt Nam cần tái tạo khát vọng và động lực. 

Dù vậy, hãy coi AFF Cup hay mọi giải đấu tầm khu vực khác như một thước đo cho sự tiến bộ. Vươn lên đỉnh cao đã khó, trụ lại đỉnh cao còn khó hơn. 

Sự trỗi dậy của những quyền lực bóng đá khu vực như Thái Lan, Indonesia tại AFF Cup 2020, nhất là khi người Thái đầu tư mạnh để lấy lại ngôi báu cho thấy tuyển Việt Nam phải rất nỗ lực để bảo vệ vị thế trong khu vực. Sức cạnh tranh tại Đông Nam Á cũng có mặt tích cực, khi thúc đẩy tuyển Việt Nam phải không ngừng tiến lên, thay vì hài lòng với những gì mình có. 

Thứ hai, bóng đá trẻ cần được tiếp tục đầu tư và củng cố. Một vài trung tâm đào tạo chất lượng không đủ để cung cấp nhân tài cho đội tuyển. Bóng đá Việt Nam may mắn có một thế hệ cầu thủ tài năng, và không thể đòi hỏi thế hệ nào cũng phải đầy ắp cầu thủ giỏi.

Tuy vậy, chất lượng đầu ra của các lứa cầu thủ cần có một tiêu chuẩn nhất định, để tuyển Việt Nam không rơi vào khoảng trống thế hệ, đồng thời giữ được đà tiến bộ ổn định. Một lứa cầu thủ không thể gánh trên vai cả nền bóng đá, mà HLV Park Hang Seo cần nhiều hơn nữa các thế hệ chung tay xây dựng vị thế cho bóng đá Việt Nam. 

Thứ ba, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần thêm các trận đấu chuyên nghiệp. Đơn cử ở Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài các giải vô địch quốc gia, các đội trẻ cấp CLB còn có giải đấu riêng để cọ xát nâng cao trình độ, chưa kể các giải bóng đá học đường được chuyên nghiệp hóa. Bí quyết thành công của cầu thủ là phải được thi đấu, thi đấu thật nhiều.

Tuyển Việt Nam: Thoái trào hay khởi đầu chu kỳ thành công mới? - 5

HLV Park Hang Seo đang nỗ lực làm mới đội U22. 

Dù vậy, ở Việt Nam, số trận cho cầu thủ trưởng thành còn ít, chưa nói đến cầu thủ trẻ. Mô hình bóng đá tháp ngược, càng xuống hạng dưới càng ít đội cho thấy mặt hạn chế khi nhiều cầu thủ trẻ chỉ được chơi một số giải trẻ, với khoảng 10 đến 15 trận mỗi năm.

Sở dĩ thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh đạt đến thành công, bởi bầu Đức của HAGL cho các cầu thủ tập huấn châu Âu khi mới 19 tuổi, tham gia nhiều giải quốc tế để cọ xát và thi đấu V-League ở tuổi đôi mươi.

Lứa Quang Hải, Đình Trọng cũng được bầu Hiển chăm bẵm, đôn lên đá V-League từ sớm nên nhanh chóng trưởng thành. Đó chỉ là nước cờ đơn lẻ của các ông bầu, chứ chưa phải kế hoạch bài bản của nền bóng đá.

Số trận ít ỏi ảnh hưởng đến các cầu thủ thế nào, màn trình diễn của U23 Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á 2022 là minh chứng. Trong năm tới, U23 Việt Nam sẽ dự SEA Games, ASIAD và VCK U23 châu Á. Các cầu thủ cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng hơn.

Sự chuẩn bị cả về nhân lực, vật lực và tâm thế là điều bóng đá Việt Nam rất cần để hướng tới thêm một chu kỳ thành công. Trong năm 2022, hãy để vinh quang và cả thất bại ở phía sau mà khởi đầu lại với con số 0.

Thay vì thỏa mãn với những chiến tích, các cầu thủ cần thi đấu với khao khát như ngày đầu tiên làm quen với trái bóng. Chỉ có không ngừng cố gắng và nỗ lực, tuyển Việt Nam mới có thể chinh phục những đỉnh cao mới.

Khi đã định vị chỗ đứng, tích lũy trải nghiệm thi đấu đỉnh cao và rút kinh nghiệm từ những thất bại của đối thủ cũng như của chính bản thân mình, thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ một lần nữa giong buồm ra biển để tìm kiếm vinh quang. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn