Trong bóng đá, tỷ số 0-1 thường tạo ra cảm giác không mấy dễ chịu cho đội thua trận. Thua 0-1, đồng nghĩa đội thua đã ở rất gần trận hòa, mắc ít sai lầm, và chênh lệch giữa hai đội không quá lớn.
Tuyển Việt Nam thua hai trận gần nhất trước Nhật Bản với tỷ số này. Điều đó dễ tạo ra ảo ảnh: Trình độ giữa Việt Nam và Nhật Bản hơn kém không nhiều. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhật Bản chỉ thắng 1 bàn, nhưng đó là bàn thắng của cách biệt trình độ mà vài chục năm nữa, chưa chắc bóng đá Việt Nam đã san lấp được.
Video: Việt Nam 0-1 Nhật Bản
Sức mạnh của Nhật Bản
Để luận về sức mạnh của tuyển Nhật Bản ở trận tối qua, phải lật lại vấn đề: đội bóng của HLV Hajime Moriyasu chỉ thắng được 1-0, hay đá vừa đủ để thắng 1-0.
Điểm đặc biệt ở chiến dịch vòng loại World Cup là các ĐTQG đá 2 trận mỗi tháng. Các đội mạnh, đặt mục tiêu giành vé dự World Cup như Nhật Bản luôn có những toan tính riêng. Đội bóng của Hajime Moriyasu không chỉ cố thắng từng trận, mà còn phân phối sức để chơi tốt được đồng thời 2 trận cách nhau 4 ngày.
Để đua đường dài, các đội bóng mạnh sẽ vừa đá vừa tính, thay vì trận nào cũng dồn toàn lực như đội tuyển không có mục tiêu thành tích cụ thể như Việt Nam.
Tuyển Nhật Bản chơi không nổi bật ở trận tối qua. So với Ả Rập Xê Út tấn công dồn dập, Trung Quốc và Oman ghi bàn liên tục hay Australia cầm bóng chắc chắn, "Samurai áo xanh" không quá lấn lướt Việt Nam. Trong hiệp 2, Nhật Bản giảm nhịp độ, các pha tấn công không mạnh về cả chất lẫn lượng.
Nhưng bất chấp đá dưới phong độ, đồng thời chủ động giữ những quân bài tốt nhất khi Takumi Minamino, Yuto Nagatomo, Yuya Osako ra nghỉ trước phút 75, Nhật Bản vẫn thắng.
Khi các học trò của HLV Park Hang Seo vẫn đang nghĩ cách để gỡ hòa, Nhật Bản đã nghĩ tới trận gặp Oman. Do Australia bị Ả Rập Xê Út cầm hòa, nên nếu thắng Oman trận tới, Nhật Bản có cơ hội lấy ngôi nhì. Nhật Bản dù sa cơ, vẫn chơi và tính cái thế của một đội tuyển mạnh. Đó là tính toán tuyển Việt Nam chưa thể có ở vòng loại cuối cùng.
Thầy trò ông Park chỉ có thể gồng lên hết sức, đá đến đâu hay đến đấy. Chúng ta như chú cá lớn ở Đông Nam Á, nhưng ngoài biển lớn châu Á, tất thảy đối thủ đều là cá mập.
Nói vậy không để phủ nhận nỗ lực của tuyển Việt Nam. Đội chủ nhà đã chơi cố gắng, cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Trung vệ đội trưởng Maya Yoshida nói "không dễ khoan phá hàng thủ 5 người của Việt Nam", Wataru Endo khẳng định "không thể hài lòng với cách chơi", còn HLV Moriyasu khen "tuyển Việt Nam chơi thực sự tốt".
Đó không phải lời khen xã giao. Tuyển Việt Nam đã buộc Nhật Bản phải căng mình chống đỡ trong 10 phút cuối. Không nhiều đội tuyển ở châu Á có thể làm được điều này.
Tuy nhiên, cái tốt của tuyển Việt Nam chỉ ở trong khuôn khổ 1 trận mà suốt hai phần ba thời gian thi đấu, Nhật Bản là đội làm chủ cuộc chơi. "Samurai áo xanh" không cần đá tổng lực, mà chỉ cần khoảnh khắc của Minamino để tạo ra khác biệt, rồi ung dung vừa đá, vừa giữ.
Một lần nữa, tuyển Việt Nam chỉ thua bởi một pha bứt tốc (Ritsu Doan tăng tốc kiếm phạt đền cho Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019), song đó là cái hơn của một trời đẳng cấp. Quang Hải, Hoàng Đức chưa đủ sức tạo nên những khoảnh khắc như vậy.
Còn về trình độ, còn rất lâu nữa, tuyển Việt Nam mới làm chủ cuộc chơi, điều hướng thế trận được như Nhật Bản.
Tâm tư của HLV Park Hang Seo
HLV Park Hang Seo nán lại rất lâu sau trận, đứng dựa người vào cabin huấn luyện và suy tư khi học trò đều đã vào phòng thay đồ. Ông tâm sự: "Đời huấn luyện, chưa bao giờ thấy kiếm 1 điểm khó khăn vậy". Tuyển Việt Nam đã ở rất gần 1 điểm ở trận gặp Australia hay Trung Quốc, nhưng cái tưởng gần như thế, thực ra lại rất xa.
Tuyển Việt Nam đã rơi khỏi top 15 châu Á, và phần nào hiểu cảm giác của Thái Lan 4 năm trước. Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội ở cửa trên so với Đông Nam Á, nhưng còn cách rất xa mới đến đẳng cấp hàng đầu châu Á.
Cảm giác thừa nọ, thiếu kia dễ tạo ra chông chênh và hụt hẫng. Người Thái không thoát nổi cảm giác hụt hẫng với 8 trận thua ở vòng loại cuối. Họ ngộ nhận rồi đánh mất tất cả.
Tuyển Việt Nam đã thua số trận nhiều hơn nửa so với Thái Lan ở vòng loại trước. Cảm giác nản chí, uể oải là khó tránh. Đến HLV Park Hang Seo cũng phải thừa nhận: tuyển Việt Nam không thể nghĩ xa hơn ở vòng loại này, mà tốt nhất, là nên tìm cách xây nền móng để thêm nhiều lần được góp mặt tại đây.
Những trận thua trước Australia, Nhật Bản là trải nghiệm quý giá. Nhưng, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn thế. Ông Park Hang Seo nhắc tới tầm nhìn của lãnh đạo ngành, nhắc tới lứa U22 "không nhìn thấy tiềm năng nào", nhắc cả những cái nhức nhối của V-League,...
Đó là những trở ngại khiến tuyển Việt Nam đang chênh vênh ở vòng loại cuối. Bóng đá Việt Nam thua toàn diện Nhật Bản, mà màn trình diễn của ĐTQG chỉ là phần ngọn.
Bản hợp đồng mới với VFF là cam kết tương lai của HLV người Hàn Quốc, song ông không thể cam kết thành tích, bởi những gì tốt nhất, nhà cầm quân 63 tuổi cùng học trò đã làm.
Phần còn lại là chuyện của bóng đá Việt Nam. Thua trận không đáng lo, mà cái lo lắng chỉ đến khi không nhìn thấy triển vọng có thể thắng trong tương lai. Khoảng cách với những ngọn núi cao nhất châu Á còn rất xa, và sẽ còn xa hơn nữa nếu ta không rút ra được bài học gì từ thất bại hôm nay.
Bình luận