"Mục tiêu của tôi là đưa tuyển Việt Nam lọt vào top 100 trên bảng xếp hạng của FIFA", HLV Park Hang Seo trả lời báo giới trong buổi ra mắt tuyển Việt Nam trên cương vị HLV trưởng.
Hôm ấy là 11/10/2017. Tuyển Việt Nam đứng hạng 130 thế giới, đang cạnh tranh với Afghanistan để lấy vé dự vòng chung kết Asian Cup 2019. Trước đó đúng 1 tháng, tuyển Việt Nam phải chờ đến bàn thắng muộn để thắng trên sân Campuchia.
Sau 4 năm, tuyển Việt Nam đang đứng hạng 92 thế giới. Đối thủ của thầy trò ông Park không còn là Afghanistan, Campuchia, mà là Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Oman. Cả 5 đội tuyển này đều đứng trong top 10 châu lục. Cánh cửa trước mắt tuyển Việt Nam cũng không còn là Asian Cup, mà là World Cup.
Xen giữa hai mục tiêu khác nhau "một trời, một vực" trong 4 năm ấy là khối nỗ lực khổng lồ của cả nền bóng đá, được đổi lấy bằng máu, mồ hôi, nước mắt và rất nhiều cố gắng, hy sinh. Tuyển Việt Nam đã tiến những bước rất dài, và gian nan trước mắt không thể ngăn cản Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội mơ về những điều chúng ta chưa từng dám mơ.
Trước chiến dịch vòng loại World Cup 2022, thành tích bóng đá Việt Nam ở sân chơi này là con số 0 tròn trĩnh. Sau 7 kỳ tham dự (từ năm 1994 đến 2018), thế hệ tiền bối của Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng chưa từng lọt tới vòng loại cuối cùng.
Đội tuyển thắng 7 trận sau 7 kỳ vòng loại World Cup, ghi 42 bàn, thủng lưới 76 bàn, trung bình thắng 1 trận, ghi 6 bàn và thủng lưới gần 11 bàn ở mỗi chiến dịch vòng loại.
Trước khi HLV Park Hang Seo đến Việt Nam, World Cup là câu chuyện viễn tưởng, nhưng sau 4 năm, đường đến đấu trường danh giá nhất thế giới giờ chỉ còn cách một vòng loại cuối cùng.
10 trận đấu trước mắt là bức tường thành ngăn cách giữa mộng mơ và thực tại của bóng đá Việt Nam. Để vượt qua, các cầu thủ phải bước lên những nấc thang đầy cạm bẫy, song đó là những cạm bẫy trước đây tuyển Việt Nam có mong muốn cũng không thể sa vào.
Một thống kê đáng chú ý trước vòng loại thứ ba, đó là tuyển Việt Nam toàn thua trong 13 lần chạm trán các đối thủ cùng bảng. Tỷ lệ thắng là 0%, nhưng đó không phải vấn đề.
Mấu chốt của câu chuyện là: tại sao trong hơn 20 năm bóng đá Việt Nam hội nhập với sân chơi quốc tế (từ sau năm 1995), tuyển Việt Nam chỉ gặp các đội bóng như Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê Út,... có 13 lần? Số trận thi đấu với những đội lớn khác như Hàn Quốc, Uzbekistan, Qatar,... cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuyển Việt Nam có quá ít cơ hội cọ xát đỉnh cao, mà nguyên nhân là bởi các cầu thủ thường xuyên bị loại sớm ở các giải châu lục.
Gần nửa thế kỷ, bóng đá Việt Nam loanh quanh trong "ao làng" Đông Nam Á. Bước ra đại dương, trước mặt là sóng lớn và dưới chân là biển sâu thăm thẳm, sự háo hức pha lẫn lo âu là phức cảm hợp lý của những cầu thủ lần đầu trải nghiệm thách thức mang tầm cỡ châu lục.
Nhưng nếu có đôi chút hoang mang, dè dặt khi phải đương đầu với nhiều ngọn sóng cao, hãy nhớ rằng các cầu thủ đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong suốt 4 năm để có cơ hội được tận hưởng cảm giác ấy. Dù vấp ngã, thất bại ở đấu trường đỉnh cao, các cầu thủ có thể nhận lấy bài học đôi khi còn giá trị hơn chiến thắng.
"Vòng loại thứ ba là trải nghiệm quý giá để tuyển Việt Nam nuôi mộng vươn lên. Thi đấu ở vòng loại này, tuyển Việt Nam sẽ được làm quen cảm giác so tài với các đối thủ mạnh. Riêng góc độ đó thôi đã mang tới trải nghiệm quý giá rồi.
Ở các giải trước, chúng ta cùng lắm lọt đến vòng hai rồi bị loại, cùng lắm chỉ đá 4, 5 trận là thua. Hôm nay, tuyển Việt Nam có 10 trận, đá theo thể thức vòng tròn, tức là được gặp mỗi đối thủ hùng mạnh 2 trận lượt đi và lượt về. Để lên đỉnh cao, đây là chướng ngại buộc phải đối đầu trên hành trình vươn mình ra biển lớn", BLV Vũ Quang Huy chia sẻ.
Vòng loại thứ ba World Cup 2022 không phải món quà từ trên trời rơi xuống. Để đi đến cột mốc này, thầy trò HLV Park Hang Seo phải tích lũy trong nhiều năm.
Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh,... hai lần về nhì ở giải U19 Đông Nam Á, bị loại ở vòng bảng U19 châu Á. Lứa Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu từng cúi đầu sau trận thua 0-6 trước U19 Thái Lan ở chung kết U19 Đông Nam Á. Một thất bại bị đánh giá là "ê chề", "muối mặt".
Hai thế hệ 1995, 1997 giao thoa nhau ở SEA Games 2017, và đó lại là một thất bại nữa. Sai lầm của Phí Minh Long, quả phạt đền hỏng ăn của Công Phượng, pha bỏ lỡ của Hồ Tuấn Tài,... khiến giải đấu được kỳ vọng rực rỡ trở thành nỗi buồn mặn chát.
Suốt 3, 4 năm, số phận thử thách cực độ bản lĩnh và tinh thần của lứa cầu thủ được chăm bẵm ở giai đoạn bóng đá Việt Nam nhuốm màu tự ti, nghi ngờ. Nhưng cũng như cây cung, muốn bắn tên đi xa thì phải cong mình lại. Mũi tên muốn bắn càng xa, càng phải lùi lại về sau để tạo động lượng.
Những thất bại đã tạo thành lực kéo cần thiết, dồn nén khát khao chứng tỏ của cả một thế hệ cầu thủ đến điểm cực đại. HLV Park Hang Seo đã đến để đánh thức tiềm năng ấy.
Người Hàn Quốc rất giỏi bắn cung, và một trong những HLV giàu kinh nghiệm nhất bóng đá Hàn Quốc đã thả dây đúng lúc, giúp mũi tên Việt Nam bay cao, bay xa lên từng đỉnh cao chúng ta chưa từng nghĩ tới.
Từ thất bại ở chung kết U23 châu Á, hạng tư ASIAD, tứ kết Asian Cup đến vòng loại World Cup, tuyển Việt Nam đã vượt qua từng cửa ải với độ khó tăng dần.
Trong buổi họp chiến thuật trước thềm vòng loại thứ ba, HLV Park Hang Seo đưa ra tổng kết: thế hệ "sáng lập" đội tuyển dưới thời của ông, với dấu mốc là giải U23 châu Á, đến nay còn trụ lại 16 người, bao gồm 12 cầu thủ và 4 thành viên ban huấn luyện.
Điều đó đồng nghĩa, xuyên suốt 4 năm, ông Park vẫn giữ được 12 con người bản lĩnh nhất đã cùng ông chinh phục những ngọn gió cao, 12 con người nếm những trái đắng thất bại để leo từng bước một lên đỉnh núi. Và với những con người không thể trụ lại, HLV Park cũng tìm ra những nhân tố tốt hơn để tiếp tục đồng hành.
Suốt 4 năm, tuyển Việt Nam đã trải qua quá trình chọn lọc, rèn giũa, có thua, có thắng, có va vấp mà cũng đầy ắp vinh quang. Gần 30 con người đang có trong tay của HLV Park Hang Seo đã được chọn lọc kỹ càng và chuẩn bị sẵn tinh thần, tâm thế để đối diện với nguy cơ.
Trong "nguy" luôn luôn có "cơ", tức là vạn sự nguy nan, luôn có cơ hội để các cầu thủ nắm lấy. Bóng đá Việt Nam sẽ không sợ hãi thất bại, bởi đội tuyển có ngày hôm nay chính nhờ lầm lũi vượt qua những thất bại bẽ bàng.
Vòng loại thứ ba World Cup sẽ là thước đo chuẩn xác để tuyển Việt Nam biết mình đứng ở đâu và phải chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo thế nào.
Bên cạnh trải nghiệm được đá với những đội mạnh, thậm chí được thua, vòng loại cuối cùng là cơ hội để Quang Hải cùng đồng đội trình làng cho cả thế giới thấy tinh thần Việt Nam.
Tinh thần ấy được hun đúc từ "ngọn lửa đỏ" trong trận chung kết kiên cường với U23 Uzbekistan trong màn tuyết trắng ở Thường Châu, trong những ngày vắt kiệt mồ hôi ra đá ở Asian Cup 2019, trong cái đầu gối dính máu của Trọng Hoàng ở SEA Games 30, hay ở trận đấu đáng khen trước UAE, dù thua 3 bàn nhưng vẫn không từ bỏ.
"Bất lợi của tuyển Việt Nam là phải chơi trên sân khách, còn điểm mạnh của chúng tôi là tinh thần đoàn kết", Quang Hải chia sẻ trước trận ra quân gặp Ả Rập Xê Út. Thực tế thì, gặp đối thủ mạnh hơn về đẳng cấp, trình độ lẫn kinh nghiệm, việc đề cập đến yếu tố tinh thần là điều dễ hiểu.
Nhưng yếu tố làm nên tinh thần Việt Nam không đến từ một niềm tin bâng quơ, vô hình. Tinh thần phải được xây dựng trên nền tảng tâm lý, thể lực tốt của cầu thủ cùng chiến thuật hợp lý của HLV. Những yếu tố này, tuyển Việt Nam đều có.
"Các cầu thủ được cọ xát rất nhiều trong quá khứ với những đối thủ mạnh ở các giải U23 châu Á, ASIAD, Asian Cup, vòng loại thứ hai nên đã hình thành bản lĩnh và sự lì lợm cần thiết. Chúng ta không còn sợ hãi khi gặp các ông lớn châu Á.
Vòng loại thứ ba này là nấc thang giúp bản lĩnh của cầu thủ được nâng thêm một tầm cao. Nhìn chung, bức tranh toàn cảnh của các đội châu Á đã được chúng ta hình dung khi chạm trán với những đối thủ mạnh nhất có thể. Hãy cố gắng chơi tự tin.
Dưới thời HLV Park, chưa bao giờ tuyển Việt Nam lép vế trước các đội lớn, kể cả trận gặp UAE hôm 15/6 vừa rồi. Tuyển Việt Nam bị dẫn 3 bàn, nhưng kết quả chỉ thua sát nút 2-3. Gặp đối thủ nào, tuyển Việt Nam cũng chơi sòng phẳng, đàng hoàng, không có cảm giác hoang mang.
Chúng ta tôn trọng, đánh giá cao đẳng cấp của họ, nhưng không bao giờ có sự lo lắng, e dè. Các đội mạnh có thắng Việt Nam cũng không sướng bởi họ chẳng thể phô diễn được hết khả năng. HLV Park luôn có đấu pháp hợp lý, đồng thời cầu thủ biết biến ý tưởng của HLV thành hiện thực. Hãy lấy đó là điểm tựa tự tin", BLV Quang Huy đánh giá.
Bóng đá Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ có thể chơi sòng phẳng với Nhật Bản, Iraq, UAE, Qatar - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Bóng đá Việt Nam cũng có một tập thể đủ bản lĩnh, lì lợm, đã kinh qua những thử thách khó khăn nhất để không còn bị đánh gục bởi những lo âu.
Tuyển Việt Nam phải thực tế, rằng với thực lực hiện tại, cơ hội dự World Cup là không nhiều. Nhưng hãy chiến đấu bằng tất cả khả năng, bằng ý chí, tinh thần và tận hưởng chiến dịch vòng loại lịch sử để làm bàn đạp cho những tham vọng trong tương lai.
Hôm nay, bóng đá Việt Nam ra biển lớn!
FPT Play và Truyền hình FPT là đơn vị sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng 60 trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar, trong đó có 10 trận tuyển Việt Nam góp mặt. Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ giải đấu tại:
- App FPT Play
- YouTube
- Website: fptplay.vn
Bình luận