Theo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, dựa trên quy định tại Điều 21 Quy chế tuyển sinh, hằng năm, trường phải báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả tuyển sinh của năm trước ngày 31/12.
Trên cơ sở báo cáo của các trường và căn cứ vào chỉ tiêu được xác định trong đề án tuyển sinh, Bộ rà soát xác định các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Trường nào tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tùy theo từng năm mà Bộ chỉ đạo thanh tra hoặc chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra.
Trường hợp phát hiện các cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ sẽ căn cứ vào quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để xử phạt.
Mức xử phạt vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh đã được quy định tại Điều 10 Nghị định của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, phạt tiền đối với các hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, thạc sỹ, tiến sỹ vượt số lượng so với chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo hoặc được giao khi tuyển vượt từ 5% trở lên.
“Mức phạt tối đa từ 40 đến 60 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên và buộc phải giảm số lượng tuyển sinh năm sau”, Vụ Giáo dục đại học cho hay.
Vụ Giáo dục đại học cho biết, khoảng ba năm gần đây, tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đạt khoảng 80% nên số trường vượt chỉ tiêu rất ít.
Tại thời điểm thanh tra, kiểm tra, vì nhiều nguyên nhân mà một số thí sinh đã không còn theo học nên hầu như các trường không đào tạo quá chỉ tiêu đã xác định.
Hiện nay, để thực hiện tự chủ tuyển sinh và đào tạo, Bộ GD&ĐT đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Trong đó, có cơ sở dữ liệu tuyển sinh, công khai danh sách thí sinh đã nhập học để giám sát trong suốt quá trình đào tạo và cấp bằng.
Bình luận