Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông tin về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018.
Phát biểu tại họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết, từ mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ cho các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Điểm làm tròn 2 số thập phân nên có sự cạnh tranh trong xét tuyển nên liên quan đến toàn bộ công tác coi thi, chấm thi, đề thi.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu vào ngành sư phạm năm nay là 35.590 giảm 38% so với chỉ tiêu năm 2017 (năm 2017 có 56.725 chỉ tiêu) tổng số nguyện vọng 1 sư phạm là 43.69 chỉ tiêu, giảm 27% so với năm 2017.
Bà Phụng cho biết thêm, trước khi có chỉ tiêu ngành sư phạm, Bộ G-ĐT có khảo sát về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Cũng theo bà Phụng, căn cứ vào nhu cầu đợt khảo sát này, Bộ xác định, năm nay cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh thành khoảng 59.000 giáo viên để đủ vừa tuyển mới, vừa thay thế người về hưu.
Bên cạnh khảo sát chính thức của bộ, số liệu này còn dựa trên một số đề tài nghiên cứu các trường sư phạm kết hợp với các cơ sở thực hiện, các nghiên cứu khảo sát về số sinh viên chưa có việc làm trong 2 năm qua và dự kiến năm tới.
“Số chưa có việc làm và dự kiến sinh viên ra trường năm 2018 và 2019 chưa có việc làm ngay là hơn 40.000, trong đó, 50% vẫn chờ cơ hội để vào ngành hoặc quay lại đúng nghề nếu có cơ hội. Vì vậy, chúng tôi xác định năm tới chỉ giao chỉ tiêu 35 – 36.000”, bà Phụng cho hay.
Video: Đại diện Bộ GD-ĐT thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia 2018
Lý giải về việc giảm chỉ tiêu vào ngành sư phạm trong năm nay, bà Phụng cho biết, đào tạo sẽ sát với quy mô sử dụng giáo viên, có khả năng thu hút các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, dẫn đến giảm thiểu tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
“Khi biết chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn”, bà Phụng nhấn mạnh.
Cũng theo bà Phụng, thực tế, so với 2017, tốc độ giảm nguyện vọng (27-29%) vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu (38%). Nếu xét ở tiêu chí tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu thì tỷ lệ này của các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học vẫn ở vị trí trung bình trong các khối ngành. Như vậy, nguồn tuyển không quá thấp và chất lượng đầu vào sẽ được đảm bảo.
Bình luận