Ở Mỹ, có sự khác biệt giữa các bang và cơ sở giáo dục bậc cao về tiêu chuẩn đầu vào đối với chương trình sư phạm. Nhiều cơ sở giáo dục, thí sinh có thể bắt đầu ngay khóa học khi đăng ký ghi đanh vào một cơ sở đại học. Nhiều trường hợp khác, thí sinh bắt buộc phải hoàn thành 2 năm đại cương, sau đó nộp đơn ứng tuyển vào chương trình giáo dục sư phạm.
Hoặc một số cơ sở giáo dục có yêu cầu khắt khe hơn là thí sinh phải đỗ một kỳ thi trước khi đăng ký vào một chương trình sư phạm, như Praxis I (bài kiểm tra kỹ năng cơ bản dành cho giáo viên tương lai, bao gồm đọc, viết, toán học).
Nhiều chương trình sư phạm ở Mỹ hiện nay đòi hỏi khá khắt khe như: Điểm tốt nghiệp trung học trên mức trung bình và vượt qua kỳ thi quốc gia về một môn chuyên ngành, thư giới thiệu, tổ chức các cuộc phỏng vấn riêng và yêu cầu kinh nghiệm làm việc đối với thí sinh khi xem xét đơn ứng tuyển.
Ở nước Anh, thí sinh tối thiểu phải đạt điểm C môn Tiếng Anh và Toán trong kỳ thi lấy chứng chỉ trung học (GCSE).
Không nằm ngoài những quốc gia trên, Nhật Bản cũng đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn lực sư phạm. Tại Nhật, tất cả thí sinh buộc phải tham dự kỳ thi tuyển sinh quốc gia bao gồm 5 bộ môn: Tiếng Nhật, ngoại ngữ, Toán, Khoa học và nghiên cứu xã hội. Ngoài ra, hầu hết các trường ĐH ở nước này đều tổ chức những kỳ thi phỏng vấn riêng.
Ở Australia tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm lại dựa trên những gì mà thí sinh đã thể hiện được ở trường trung học. Điểm ứng tuyển ĐH dựa trên những đánh giá năng lực và kết quả những bài thi năm cuối cấp.
Thí sinh ở Hàn Quốc khi ứng tuyển vào ngành sư phạm lại được đánh giá thông qua học bạ (mức độ thành tích trong lĩnh vực chuyên môn, đánh giá của giáo viên chủ nhiệm) và kết quả của kỳ thi SAT. Các trường ĐH bậc cao cũng nâng chất lượng đầu vào bằng những cuộc phỏng vấn riêng, những bài kiểm tra về chuyên ngành hoặc kiểm tra về thái độ đạo đức nghề giáo.
Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ngành Sư phạm là ngành được ưu tiên hàng đầu và đòi hỏi chất lượng cao kể cả đầu vào lẫn đầu ra. Do đó thí sinh thi khi thi tuyển cần phải đạt được những yêu cầu cơ bản mới có thể vượt qua được những vòng kiểm tra chặt chẽ. Tuy nhiên, nhiều ngành Sư phạm ở nước ngoài vẫn “hút” thí sinh, số đơn ứng tuyển vượt rất xa so với chỉ tiêu đào tạo cho phép.
Trong khi, ngành sư phạm được nhiều nước đặc biệt yêu cầu cao thì ở Việt Nam lại có sự “rớt giá” đáng lo ngại. Kỳ tuyển sinh ĐH, Cao đẳng 2017, ngoại trừ những trường ĐH lớn như Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM có điểm chuẩn cao thì phần đa các trường ĐH sư phạm khác lại có điểm chuẩn suýt soát hoặc bằng với điểm sàn được Bộ GD-ĐT công bố.
Thông tin trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) có 8/10 ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển 15,5; cũng số điểm như thế thí sinh ứng tuyển vào 10/10 ngành sư phạm trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đã trúng tuyển; hoặc thi THPT 9 điểm đã có thể đỗ sư phạm thì chất lượng nghề giáo thật sự chưa bao giờ đáng lo ngại như thế.
Trước thực trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng) khẳng định những ngành có điểm đầu vào thấp thì chất lượng giáo dục cũng thấp.
Ông Lâm cho rằng nhiều thí sinh xa lánh ngành Sư phạm, điều này chứng tỏ ngành này không còn là ngành hot để quan tâm. “Trước kia, học ngành Sư phạm còn có học bổng. Bây giờ, học bổng không còn ý nghĩa với thí sinh. Sư phạm không còn là ngành hot được quan tâm, vì sinh viên ra trường thất nghiệp, tiền lương giáo viên thấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng thay đổi những chính sách với nhà giáo nhằm thu hút người tài".
Video: Tổng hợp điểm chuẩn 2017 của hàng loạt trường ĐH.
Bình luận