Điều này sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh khi chọn ngành, chọn trường. Tuy vậy, xu hướng chung năm nay của nhiều trường đại học là giảm dần phụ thuộc vào việc lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm điểm chuẩn đầu vào, tăng cường các phương thức tuyển sinh riêng, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, phù hợp với nhu cầu và mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều thí sinh lại tiếp tục tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học, với mục tiêu chinh phục cánh cổng trường đại học mình mơ ước. Giữa tháng 7, hơn 7.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức. Để có thể sử dụng kết quả thi đăng ký vào hơn 20 trường đại học khối kỹ thuật; gần 9.000 thí sinh dự thi đánh giá năng lực vào các trường Công an. Đa số các thí sinh đã tham gia kỳ thi với tâm trạng thoải mái, dù rằng với các em, đây là kỳ thi đặc biệt với nhiều thử thách.
Em Đỗ Thế Gia, ở Hà Nội, dự thi đánh giá năng lực tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Theo em thấy đề thi này khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT. Đề toán đối với em là hơi khó. Đề đọc hiểu thì khá dài và em cũng không làm kịp hết đề đọc hiểu".
Còn em Nguyễn Hoàng Long, dự thi đánh giá năng lực của Bộ Công an cho rằng: "Số lượng môn bình thường trong một tổ hợp chỉ có 3 môn mà đây chúng em thi kỳ thi đánh giá năng lực thế này tận 7 môn, số lượng học sẽ phải gấp đôi bình thường".
Với mong muốn tuyển được những thí sinh năng lực tốt, phù hợp với nhu cầu và mục tiêu đào tạo, trong kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học giảm tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ các kỳ thi riêng. Theo ông Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mục tiêu của trường là tuyển những thí sinh thiên về kỹ thuật, nghiên cứu, nên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để chọn được những thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo.
"Trường xác lập một chuẩn đầu vào của trường mà thông qua kỳ thi đánh giá tư duy này một cách chủ động như vậy thì hoàn toàn có thể yên tâm được là thí sinh được chọn lựa thì sẽ có đủ năng lực học tập. Thứ hai là hoàn toàn tự tin công bố với thí sinh rằng nếu như các em trúng tuyển vào trường bằng kỳ thi đánh gia tư duy thì các em hoàn toàn có thể yên tâm là về năng lực học tập của mình có thể đáp ứng được yêu cầu về chương trình đào tạo tương đối khắt khe khắt khe của trường Bách khoa Hà Nội, miễn là các em cố gắng và chăm chỉ", thầy Điền nói.
Là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển sau 20 năm xét tuyển theo kết quả các kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dù chưa hoàn toàn tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này, nhưng ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, trường sẽ tuyển được những thí sinh phù hợp theo đặc thù đào tạo.
"Mỗi trường thì có đặc thù riêng của nó, như để trở thành thầy cô, thí sinh phải hiểu, phải biết, phải trình bày được ý tưởng đến người khác, mặt khác tự luận thể hiện khả năng để tiếp cận, diễn giải cho người khác hiểu được nên chúng tôi chọn hình thức thi tuyển này. Chúng tôi thấy mỗi hình thức tuyển sinh có ưu điểm riêng của nó. Ở đây chúng tôi biết ngay được khả năng trình bày của thí sinh như thế nào", ông Minh cho hay.
Không tổ chức kỳ thi riêng, nhưng sử dụng điểm của các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để tuyển sinh là xu hướng chung của các trường năm nay. Hiện có hơn 50 trường đại học đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và 20 trường sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.
Thực tế này cho thấy, các trường đang giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xét tuyển và để kỳ thi này trở về đúng mục tiêu là xét tốt nghiệp.
Bình luận