• Zalo

Tuyển sinh đại học 2022: Chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT có thể giảm mạnh

Tuyển sinhThứ Tư, 17/11/2021 09:59:03 +07:00Google News

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh 2022, dự kiến giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội vừa dự kiến phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Theo đó, trường vẫn giữ 3 phương thức tuyển sinh như năm 2021. Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 10 - 20% chỉ tiêu; phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức chiếm tỷ lệ lớn nhất 60-70%; phương thức xét tuyển tài năng là 20-30%.

Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội phải dừng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy do dịch COVID-19. Vì vậy, toàn bộ chỉ tiêu chuyển sang phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm tổng số 80% chỉ tiêu).

Tuyển sinh đại học 2022: Chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT có thể giảm mạnh - 1

Tuyển sinh ĐH năm 2022 sẽ có một số điều chỉnh. (Ảnh: Tienphong)

Về kỳ thi đánh giá tư duy, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay dự kiến tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội (cụ thể là tại trường) và một số cơ sở giáo dục Đại học khác.

Bài thi đánh giá tư duy có thời lượng tối đa 270 phút, nội dung gồm các phần: Toán: bắt buộc (trắc nghiệm, tự luận), thời lượng 90 phút); đọc hiểu: bắt buộc (trắc nghiệm), thời lượng 30 phút; tự chọn 1 (trắc nghiệm): Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), thời lượng 90 phút, tự chọn 2 (trắc nghiệm): Tiếng Anh, thời lượng 60 phút. Thí sinh có thể chọn 1 hoặc cả 2 phần tự chọn nếu muốn đăng ký xét tuyển với nhiều tổ hợp khác nhau. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ công bố tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy trong đề án tuyển sinh năm 2022.

Năm tới, Đại học Sư phạm TP.HCM dự kiến có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Năm vừa qua, kỳ thi này của trường cũng bị hủy vì dịch COVID-19. Năm 2022, trường sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức có sử dụng kết quả kỳ thi này vào trường (năm 2021 dự kiến 20% chỉ tiêu một số ngành).

Tham gia kỳ thi này, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký các môn riêng biệt do trường tổ chức gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy theo môn. Mỗi môn thi đều gắn với môn học trong chương trình học nên thuận lợi cho thí sinh trong việc chuẩn bị.

Nội dung câu hỏi sẽ bám sát kiến thức trong chương trình THPT, trong đó 70-80% thuộc chương trình lớp 12, còn lại thuộc lớp 11 và rất ít phần thuộc lớp 10. Đề thi sẽ có những câu hỏi yêu cầu năng lực suy luận, phân tích, vận dụng với mức độ cao hơn để phân loại thí sinh.

Năm 2022, dự báo có nhiều trường Đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo. TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Đại học Việt Đức, cho biết dự kiến tổ chức kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh vào tháng 5/2022. Theo đó, cách thức và nội dung kiểm tra cơ bản được giữ ổn định như các năm trước. Kết quả kỳ thi này dự kiến được trường dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển vào năm 2022.

Mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực

Đến thời điểm này, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM được đánh giá là kỳ thi xét tuyển đại học có số lượng thí sinh tham gia đông nhất cả nước và số lượng trường sử dụng kết quả để tuyển sinh cũng lớn nhất. TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho hay, kỳ thi này cơ bản giữ ổn định như năm 2021 như nội dung đề thi, tổ chức thành 2 đợt/năm.

Hiện đã chốt thời gian tổ chức đợt 1 vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 3. Nhưng thời gian tổ chức đợt 2 kỳ thi này đang được lấy ý kiến rộng rãi để điều chỉnh phù hợp hơn, có thể vào cuối tháng 5, sớm hơn 2 tháng so với các năm trước. Một điểm mới của kỳ thi này là mở rộng phạm vi tổ chức kỳ thi để tạo cơ hội cho nhiều thí sinh hơn trong bối cảnh dịch bệnh có thể sẽ hạn chế việc di chuyển của các em.

Ngoài 7 địa phương của năm trước đó (TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Đắk Lắk), kỳ thi này năm 2022 có thể diễn ra ở một số địa phương khác.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, Đại học này có kế hoạch tổ chức 7 - 8 đợt thi đánh giá năng lực với học sinh phổ thông, dự kiến từ tháng 2 đến tháng 8/2022 để sử dụng kết quả này tuyển sinh đại học.

Hiện tại Đại học Quốc gia Hà Nội có khả năng tổ chức kỳ thi cho khoảng 100.000 thí sinh với 7-8 đợt/năm. Mỗi đợt thi phục vụ 10.000, tối đa khoảng 20.000 thí sinh. Trường hợp được “đặt hàng” tổ chức cho quy mô lớn cần có sự đầu tư, hỗ trợ, phối hợp của các bên liên quan. Hoặc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phải phối hợp các trường theo hướng đại học cung cấp công nghệ, quy trình, bảo hộ đề thi và giám sát.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn