Từ ngày 15 đến 30/6, thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do trên cả nước sẽ bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
Nhiều thí sinh lo lắng không đỗ đại học nên có tâm lý đăng ký thật nhiều nguyện vọng, rải khắp các trường, ngành học. Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thống kê qua các mùa tuyển sinh của Bộ cho thấy, trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh trúng tuyển chủ yếu ở 1-3 nguyện vọng đầu tiên.
Đây là những nguyện vọng được thí sinh cân nhắc rất kỹ và thường là những nguyện vọng yêu thích nhất. “Thí sinh nên tập trung, đầu tư vào mục tiêu chính, không đặt quá nhiều 'cửa'. Thí sinh chỉ cần đăng ký dưới 10 nguyện vọng là đủ”, bà Thủy nói.
Thí sinh cần phải xác định nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn.
Mùa tuyển sinh 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1. Do đó nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng kí dự thi THPT.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường. Tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên.
Với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.
Những năm trước, có tình trạng thí sinh đăng ký đến 50 nguyện vọng. Điều này gây lãng phí cho gia đình và gây khó khăn cho các trường khi lọc ảo. Do đó, thí sinh cần cân nhắc số lượng nguyện vọng. Vì sau khi biết kết quả thi, thí sinh còn một lần điều chỉnh nguyện vọng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2019, trong 7 khối ngành được phân chia thì khối ngành 5, bao gồm các ngành công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, chế biến… có chỉ tiêu tuyển lớn nhất với tổng số hơn 159.000 chỉ tiêu. Tiếp đó là khối ngành 3, gồm các ngành kinh doanh, quản lý với gần 126.500 chỉ tiêu với số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với gần 823.000/2,5 triệu nguyện vọng.
Tuy nhiên, khối ngành có tỷ lệ chọi cao nhất là khối ngành 7, gồm các ngành khoa học xã hội và an ninh quốc phòng, với tỷ lệ 7,1 nguyện vọng/chỉ tiêu.
Thí sinh vẫn tập trung xét tuyển theo các tổ hợp thi truyền thống là khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh). Ngoài các tổ hợp truyền thống còn có 133 tổ hợp khác được các trường đăng ký xét tuyển với Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, 133 tổ hợp này chỉ có chưa đến 10% thí sinh đăng ký. Có tới trên 90% thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp truyền thống.
Bình luận