Theo Dự thảo, năm 2017 sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng, điều đó có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho các em, nhưng việc xử lí chống ảo đối với các trường đại học như thế nào.
Thêm vào đó, việc bỏ điểm sàn có phải là mở cửa cho thí sinh và làm giảm chất lượng nguồn tuyển hay không.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội về những vấn đề này.
- Thưa PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Ông nhận định như thế nào về việc Dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 quy định thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng? Điều này liệu có dẫn tới sự rối loạn không?
Trước hết tôi thấy rằng không có lý do gì phải hạn chế số nguyện vọng của thí sinh được đăng ký, tại sao ta phải hạn chế quyền của các em mà không để các em tự quyết định?
Ông Hoàng Minh Sơn
Trước hết tôi thấy rằng không có lý do gì phải hạn chế số nguyện vọng của thí sinh được đăng ký, tại sao ta phải hạn chế quyền của các em mà không để các em tự quyết định?
Việc quy định cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng có thể hiểu nhằm tạo điều kiện cho các em có thêm cơ hội trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên vào ngành học yêu thích khi các em đăng ký ngành này ở những trường có mức độ cạnh tranh khác nhau.
Nói không hạn chế số lượng nguyện vọng đăng ký không có nghĩa là thực tế thí sinh sẽ chọn rất nhiều nguyện vọng. Thông thường các em sẽ chọn 1 trường cao, 1 trường vừa và 1 trường thấp hơn kết quả thi là đủ để trúng tuyển, tất nhiên trong mỗi trường các em có thể chọn một hoặc hai ngành yêu thích.
Trong những năm qua thí sinh rất có ý thức khi chọn ngành, chọn trường. Chúng ta nhìn lại năm 2016, đợt 1 quy chế cho phép đăng ký 4 nguyện vọng nhưng thống kê trung bình thí sinh chỉ đăng ký khoảng 2,5 nguyện vọng.
Điều đó chứng tỏ thí sinh rất cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng vào trường, ngành mà mình yêu thích chứ không đăng ký bừa bãi vào bất cứ ngành nào, trường nào. Đặc biệt đối với các em có điểm cao và có thể dự liệu tương đối chắc về khả năng trúng tuyển thì có thể 4 nguyện vọng đã là nhiều, nhưng đối với các em điểm bấp bênh thì 4 nguyện vọng có thể chưa đủ.
Như trong hai năm qua thì cũng có khá nhiều em không trúng tuyển vào 4 nguyện vọng trong đợt đầu phải chờ tới đợt xét tuyển bổ sung để đăng ký thêm các nguyện vọng khác. Năm nay các em được đăng ký nhiều nguyện vọng thì sẽ tăng cơ hội cho các em trúng tuyển ngay đợt đầu, không phải chờ tới các đợt sau.
Năm 2017, quy chế quy định khi đăng ký nguyện vọng thí sinh phải sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Khi xét tuyển thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Do đó tôi cho rằng khi đăng ký xét tuyển các em sẽ phải cân nhắc thận trọng. Thực ra cách làm này không mới, trước đây khi còn tuyển sinh 3 chung Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã áp dụng cách thức cho các em đăng ký nguyện vọng bổ sung (khi đó tối đa là 7 nguyện vọng), và giải pháp này đã chứng tỏ rất hiệu quả.
Thí sinh thì chắc chắn không bị rối vì quy định này rồi, còn các trường cũng càng có cơ hội tốt hơn để hoàn thành xét tuyển ngay trong đợt đầu, như vậy rất thuận lợi chứ sao lại rối.
Video: Nghịch lý tuyển sinh 2016: Tuần trước còn trượt, tuần sau lại đỗ
- Ông có lo ngại khi thí sinh đăng ký như vậy sẽ dẫn đến tình trạng nghẽn mạng như năm 2015 không?
Năm 2016 thí sinh đăng ký cả qua mạng và qua gửi bản in, nhưng dù gửi bản in thì các trường cũng phải nhập dữ liệu vào hệ thống chung của Bộ, mặc dù trong một thời gian ngắn nhưng hệ thống phần mềm không có vấn đề gì.
Năm nay thí sinh đăng sẽ đăng ký trước khi thi, các Sở GD&ĐT sẽ nhập đăng ký của thí sinh vào hệ thống. Như vậy sẽ có một thời gian dài để các em suy nghĩ để chỉnh sửa sai sót và điều chỉnh, nhất là khi thi xong các em đã dự liệu được điểm của mình.
Sau khi có kết quả thi, thí sinh lại có thể tiếp tục điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký, nhưng khi đó số lượng cần điều chỉnh sẽ không nhiều và quan trọng là nhất thiết không tập trung vào một thời điểm. Với sự tiến bộ của công nghệ hiện nay và cách làm như vậy thì chắc chắn không ngại hệ thống bị quá tải.
Về quá trình xét tuyển thì năm nay cũng tương tự như năm 2016, các trường hoặc nhóm trường vẫn chạy phần mềm xét tuyển cục bộ. Điểm cải tiến so với 2016 là ở bước cuối, khi các trường đưa danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến lên cổng thông tin tuyển sinh thì phần mềm chỉ thực hiện một thuật toán đơn giản là lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển vào một trường khác theo nguyện vọng cao hơn. Cách làm phân tán nhưng có phối hợp ở khâu cuối như vậy vừa đảm bảo tính tự chủ của các trường và tính thống nhất trong toàn hệ thống, đồng thời không làm quá tải cổng thông tin tuyển sinh của Bộ.
- Theo ông, việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như năm nay liệu có ảnh hưởng tới chất lượng nguồn tuyển của các trường hay không?
Trước hết tôi muốn nói rằng dự thảo quy chế đã đi đúng hướng để các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh. Việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành là không còn phù hợp với sự đa dạng hóa ngành nghề đào tạo hiện nay; bởi tự chủ tuyển sinh của các trường đã được luật hóa.
Các trường tự quyết định điều kiện đầu vào và có trách nhiệm giải trình cho xã hội về quyết định của mình. Các trường cũng được quyền lựa chọn phương án xét tuyển đầu vào theo học bạ hoặc tổ chức thi riêng, như vậy vô hình chung việc quy định điểm sàn của kỳ thi này không còn ý nghĩa như trước đây.
Bộ không quy định điểm sàn nhưng yêu cầu các trường công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển, chính điều này rất quan trọng bởi bắt buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu. Các trường tùy yêu cầu đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín, tính chất ngành nghề sẽ đưa ra các điều kiện nhận đăng ký xét tuyển cụ thể. Chúng ta hình dung một trường nào đó đưa nếu ra ngưỡng xét tuyển là 11 hay 12 điểm liệu có thu hút được thí sinh hay chỉ làm hạ thấp uy tín chất lượng của mình?
Theo quy định, năm 2017 các trường phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng, công khai tình hình sinh viên ra trường có việc làm đối với từng ngành đào tạo… điều này buộc các trường không thể tuyển sinh bằng mọi giá được.
Khi Bộ không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì các trường sẽ hết sức cân nhắc để quyết định ngưỡng này sao cho hợp lý. Chắc chắn sẽ không có trường nào hạ thấp điểm chuẩn để thu hút thí sinh. Vì rằng ai cũng biết chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài.
Trong những năm vừa qua, cả xã hội cũng đã nhìn rõ hơn bức tranh thị trường giáo dục đại học và thị trường việc làm, thí sinh và phụ huynh cũng được tư vấn khá tốt qua nhiều kênh. Ngay cả khi Bộ còn giữ điểm sàn nhưng vẫn luôn có một số lượng lớn thí sinh có điểm trên sàn đã quyết định không chọn con đường học đại học, hoặc ít ra là không chọn những trường không có uy tín về chất lượng.
Xin cảm ơn PGS.TS Hoàng Minh Sơn!
Bình luận