Việc phát triển các khu đô thị mới theo quy hoạch được xem là một phần quan trọng trong chiến lược đô thị ở quy mô vùng, quốc gia hiện nay. Đây là quy luật trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những “vùng đất vàng” cho các nhà đầu tư bất động sản. Tỉnh Tuyên Quang đang nổi lên là “điểm sáng” với nhiều tiềm năng.
Vùng đất giàu tiềm năng
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại I, diện mạo thành phố Tuyên Quang đã “bừng sáng”. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,46% (xếp thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố). GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 56 triệu đồng/người/năm.
Tuyên Quang đang lọt vào "tầm ngắm" của các nhà đầu tư tên tuổi trong và ngoài nước nhờ những tiềm năng, lợi thế và chính sách thu hút đầu tư.
Các tập đoàn tầm cỡ đã đến TP Tuyên Quang đầu tư xây dựng các công trình, dự án lớn, các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, quy mô lớn, bài bản, tạo thêm không gian phát triển đô thị, mở ra cơ hội phát triển mới. Các công trình công cộng như: hồ Tân Quang, hồ Tân Hà, hồ Trung Việt, vườn hoa công viên dọc bờ sông Lô... được quan tâm đầu tư xây dựng, chỉnh trang, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt của đông đảo nhân dân.
Hệ thống đường giao thông từ trung tâm thành phố đến các đường ngõ thôn, xóm, tổ dân phố được đầu tư nâng cấp và xây mới; các khu quy hoạch dân cư mới được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ.
Thành phố đã hoàn thành xây dựng 2 tuyến đường dọc bờ sông Lô, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường từ thành phố đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn... Đây cũng chính là chìa khóa để mở ra con đường phát triển triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang.
Đô thị hóa mở cửa cơ hội đầu tư
Hiện nay, trong quá trình đô thị hóa, các khu đô thị tại các tỉnh, thành đã đảm nhiệm được vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhìn từ Bắc Ninh, năm 2000, tỷ lệ đô thị hóa tại Bắc Ninh chỉ đạt 9,5% trong khi cả nước là 24,2%. Năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Bắc Ninh đạt 57,5%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đặt ra, cao hơn tỷ lệ đô thị hóa bình quân của cả nước đang ở mức trên 42,6%.
Tỉnh Thái Nguyên gần đây cũng tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển các khu đô thị. Các khu đô thị của tỉnh Thái Nguyên đã đảm nhiệm được vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thái Nguyên. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Tại Vĩnh Phúc, nếu như khi mới tái lập tỉnh, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn lạc hậu thì đến nay phát triển hiện đại, trên phạm vi quy mô lớn, toàn diện. Các đô thị phát huy được vai trò là trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, khu vực trong tỉnh. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 20 dự án nhà ở đô thị đã và đang triển khai thực hiện, trong đó 2 dự án khu đô thị mới, 18 dự án phát triển nhà ở thương mại. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng (tăng 4,3 triệu đồng), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng.
Các chuyên gia nhận định, với sự phát triển nhanh các khu đô thị, đây là tiềm năng đầu tư đầy hứa hẹn, giới địa ốc nhạy bén đã tìm đến những vùng đất mới đang phát triển mạnh - nơi có diễn biến đô thị hóa đang tăng nhanh bởi các khu vực này quỹ đất dồi dào, dư địa tăng giá còn cao.
Trong bối cảnh thị trường phía Bắc khan hiếm nguồn cung cho bất động sản, Tuyên Quang kỳ vọng là địa điểm ‘hút” các nhà đầu tư, là đòn bẩy thúc đẩy tiềm năng tăng giá bất động sản, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế của tỉnh.
Bình luận