Sau 3 trận tại vòng chung kết Aisan Cup nữ 2022, tuyển nữ Việt Nam thua Nhật Bản, Hàn Quốc và có một trận hòa trước Myanmar. 1 điểm ấy giúp tuyển nữ giành tấm vé quý giá vào tứ kết giải nữ châu Á, nơi thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ chạm trán Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng bất chợt
Một ngày trước trận tứ kết, tuyển nữ Việt Nam có 22 cầu thủ âm tính với SARS-CoV-2 và chắc chắn được đăng ký cho trận gặp tuyển nữ Trung Quốc. Lần đầu tiên, HLV Mai Đức Chung có đầy đủ lực lượng tại giải đấu lần này. Trước đó, tuyển nữ Việt Nam từng đối mặt nguy cơ bị loại từ khi giải chưa diễn ra.
5 ngày trước trận ra quân gặp Hàn Quốc, tuyển nữ Việt Nam đặt chân tới Ấn Độ với chỉ 10 thành viên trong đó có 6 cầu thủ. Theo quy định, đội bóng nào không đủ tối thiểu 13 cầu thủ đủ điều kiện đăng ký thi đấu sẽ bị coi là rút lui khỏi giải.
Các phương án khắc phục tình trạng thiếu nhân sự đã được tính đến kể cả việc triệu tập bổ sung rồi đưa người từ Việt Nam sang. Song phương án này bất thành do khó khăn trong việc di chuyển. HLV Mai Đức Chung buộc lòng phải trông chờ vào may rủi với số thành viên còn lại đang mắc kẹt ở Tây Ban Nha.
Trong thời gian chờ đợi, ông Chung "Xe ca" tiếp tục phải nhận thông tin tiêu cực. Trong số 6 cầu thủ tại Ấn Độ, có thêm những ca bệnh mới.
Sáng 20/1, 18 thành viên hội quân muộn tại nơi đóng quân, trong đó có 14 cầu thủ. Nguy cơ phải bỏ giải không còn nữa. Song, tuyển nữ Việt Nam vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm bằng PCR theo quy định.
Tới tối cùng ngày, bằng những nỗ lực từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, việc xét nghiệm được đẩy nhanh hơn thường lệ và HLV Mai Đức Chung có thể ra sân tập với 17 cầu thủ. Đây là buổi tập cuối cùng của tuyển nữ Việt Nam trước ngày gặp Hàn Quốc (21/1).
Tới trận gặp Nhật Bản, HLV Mai Đức Chung được đăng ký 19 cầu thủ. Tiếp tới với Myanmar, 22 cầu thủ đủ điều kiện vào sân. Cơn khủng hoảng nhân sự đã trôi qua nhưng tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa có đủ lực lượng.
Tất cả bắt nguồn từ chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha. "Quân xanh" cuối cùng trong 3 trận của thầy trò HLV Mai Đức Chung có nhiều cầu thủ mắc bệnh và quá trình tiếp xúc trên sân bóng đã làm lây lan virus. Dù đã triển khai gấp các biện pháp ngay sau khi nhận thông tin, tuyển nữ Việt Nam vẫn không thể tránh được cuộc khủng hoảng.
Bất lợi trước trận gặp Trung Quốc
Tuyển nữ Việt Nam vào tứ kết với tư cách đội đứng thứ 3 có thành tích tốt. Các cô gái của chúng ta phải đối mặt với tuyển nữ Trung Quốc, đội có 8 lần vô địch giải và chưa bao giờ rơi khỏi nhóm 4 đội mạnh nhất giải.
Tuyển nữ Việt Nam đặt mục tiêu giành vé tới World Cup. Tại giải đấu lần này, các cô gái của chúng ta có hai cách để làm được điều đó. Một trong số đó là đánh bại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này dường như là bất khả thi khi chênh lệch đẳng cấp giữa hai đội là quá lớn.
Từ năm 2002, tuyển nữ Trung Quốc toàn thắng trong 12 trận đối đầu, ghi 46 bàn và chỉ để thủng lưới 2 lần. Tại vòng loại Olympic 2016, các cô gái Việt Nam thua 0-2. Còn trận gặp nhau gần nhất ở Cúp Tứ hùng 2018, họ nhận thất bại 0-4.
Yếu tố thể lực cũng là bất lợi với tuyển nữ Việt Nam. Các cầu thủ vừa khỏi bệnh đã bước vào thi đấu sau chuỗi ngày phải cách ly trong phòng riêng và có liền 3 trận căng sức trong 10 ngày. Trong khi đó, tuyển nữ Trung Quốc chỉ phải thi đấu 2 trận và có nhiều hơn 4 ngày nghỉ so với tuyển nữ Việt Nam.
Mục tiêu khả dĩ đối với thầy trò HLV Mai Đức Chung là xem trận tứ kết diễn ra lúc 19h ngày 30/1 (giờ Việt Nam) là một cữ dượt cho vòng play-off, nơi nhiều khả năng đối thủ của chúng ta là Thái Lan.
"Lấy thi đấu làm tập luyện", HLV Mai Đức Chung từng căn dặn học trò như vậy và lựa chọn này xem ra là hợp lý với tuyển nữ Việt Nam.
"Chúng tôi rất mừng khi càng đi vào sâu, càng khó khăn, lực lượng đội đang hồi phục dần. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tinh thần quyết tâm cao. Càng gặp đối thủ khó hơn, các cầu thủ Việt Nam càng cần nỗ lực hơn nữa", nhà cầm quân sinh năm 1951 chia sẻ trong cuộc họp báo trước trận.
Bình luận