• Zalo

Tuyển Đức thất bại: Hãy trả bóng đá về cho bóng đá

Tổng hợpThứ Bảy, 30/06/2012 10:00:00 +07:00Google News

Trong suốt chiều dài lịch sử, có lẽ chưa bao giờ khía cạnh đời tư của các thành viên đội tuyển Đức lại được quan tâm đến thế.

Trong suốt chiều dài lịch sử của một trong những nền bóng đá giàu thành tích nhất thế giới, có lẽ chưa bao giờ khía cạnh đời tư của các thành viên đội tuyển Đức lại được quan tâm đến thế.
Phong cách ăn mặc của HLV Joachim Loew, trong nhiều thời điểm được ca ngợi là đã mở ra cả một trào lưu thời trang. Thậm chí, đến những đường chỉ tay của HLV đội tuyển Đức cũng có thể trở thành đề tài để người ta không tiếc lời tung hô về thời vận, dù nó không khác lắm so với bao người bình thường.
Các học trò của Loew cũng không phải ngoại lệ; càng ngày, với những cô bạn gái xinh đẹp, nổi tiếng, qua những góc độ khác nhau của cuộc sống và… trang phục, họ càng giống với những tài tử của giới showbiz nhiều hơn là những cầu thủ bóng đá.
 
Hoàn toàn có lý khi khá nhiều ý kiến chỉ ra rằng, cuộc cách mạng trong lĩnh vực bóng đá của người Đức đã không chỉ diễn ra ở những sơ đồ chiến thuật trên sân cỏ, nó còn là không khí mới mẻ trong phòng thay đồ, là phong cách “biết hưởng thụ cuộc sống” của thầy trò HLV Joachim Loew. Và hệ quả là đội tuyển Đức trở nên “sexy” hơn, cuốn hút hơn thay cho sự khô khan của các thế hệ tiền bối.
Điều đó đương nhiên không mang theo hàm ý phán xét về đạo đức hay tội lỗi, vì ngay cả thứ bóng đá khổ hạnh của CHDCND Triều Tiên cũng không hề được xem là chân lý; nhưng có một sự thật không thể chối bỏ là song song với quá trình trở nên hấp dẫn hơn, khá nhiều phẩm chất truyền thống của bóng đá Đức dường như đang có xu hướng biến mất.
Lần cuối cùng đội tuyển Đức đăng quang ở một giải đấu lớn là EURO 1996, một chi tiết mà có lẽ nhiều người vẫn nhớ là trước khi bước vào đá chung kết với CH Czech, họ đã phải xin BTC cho đăng ký bổ sung thêm 2 cầu thủ sau khi gần nguyên đội hình phải ngồi ngoài vì thẻ phạt. Song người Đức vẫn lên ngôi và qua câu chuyện ấy, họ được ngợi ca về ý chí, sự lạnh lùng trong những thời khắc quyết định.
Chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về mối quan hệ loại trừ giữa bóng đá và showbiz hoặc các biến số ngoại lai, nhưng có khá nhiều ví dụ cho thấy, bóng đá sẽ thu về hiệu quả tối đa khi là chính nó.
Nếu cứ thi đấu như ở EURO 2012, “con công” Ronaldo rồi sẽ mãi mãi xếp dưới đôi chân ma thuật của Messi; những cầu thủ hay nhất của Tây Ban Nha như Xavi, Iniesta… thì được biết đến là những con người giản dị, tận tụy cả trong lẫn ngoài sân cỏ; và cái cách Tây Ban Nha vứt đi dáng vẻ của một kẻ bề trên khi đá với Bồ Đào Nha cũng là ví dụ, giống như Italia, chứng minh rằng thành công trong bóng đá chỉ dành cho những kẻ biết mình biết người, chứ không phải là tỷ lệ cược của các nhà cái.
Những chiến thắng liên tiếp cùng với việc được tung hô hơi thái quá có lẽ đã khiến thầy trò HLV Joachim Loew có phần bay bổng trong thời điểm họ cần đến sự thực tế ở một trận cầu cân não.
Quá tam ba bận nhưng tính từ EURO 2006, đây đã là lần thứ 4 liên tiếp người Đức gục ngã ở ngưỡng cửa thiên đường tại các giải đấu lớn. Từ “cực tả”, cuộc cách mạng của bóng đá Đức xem ra đang đi đến “cực hữu”; một trong những vấn đề mà chắc chắn người Đức sẽ đi tìm câu trả lời là trái bóng giờ nên đặt ở đâu để thu về hiệu quả cực đại.
Bài học của người Đức nhưng bất cứ ai, nền bóng đá nào cũng có thể rút ra kinh nghiệm cho mình.


Đức Hoàng - Thể thao 24h
Bình luận
vtcnews.vn