Trong cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình Trung Quốc không lâu sau khi đắc cử, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ là một thị trường mở đối với các nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Ông Johnson cam kết sẽ đưa Anh trở thành “nền kinh tế mở cửa nhất ở châu Âu” với đầu tư từ Trung Quốc. “Đừng quên chúng tôi là điểm đến đầu tư quốc tế mở cửa nhất, đặc biệt đối với đầu tư từ Trung Quốc. Chúng tôi đón các công ty Trung Quốc đến Hinkley, dự án điện hạt nhân quy mô lớn”, ông Johnson cho hay.
Theo các chuyên gia, nhận xét của chủ nhân mới căn nhà số 10 phố Downing không đi chệch khỏi chính sách lâu đời của Anh về việc nuôi dưỡng quan hệ chặt chẽ hơn với châu Á. Tuy nhiên, việc ông Johnson cụ thể hóa nó bằng lời nói có thể sẽ khiến London gặp rắc rối với Washington vốn coi Trung Quốc là một đối thủ kinh tế lớn và là mối đe dọa an ninh hàng đầu.
Nhà phân tích chính trị Andrew Leung lập luận rằng mối quan tâm của Vương quốc Anh trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc không hề gây bất ngờ.
"Đối với ông Johnson, nhấn mạnh các thỏa thuận tiềm năng với Trung Quốc có thể là một cách để trấn an những người nghi ngờ về tính khả thi về kinh tế của Brexit. Về cơ bản ông ấy muốn nói với công chúng rằng ngay cả khi Anh rời EU, họ vẫn là thị trường lớn của Trung Quốc và là một trung tâm tài chính lớn. Khi đó Anh có thể hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh", ông Leung phân tích.
Richard A. Werner, Giáo sư Tài chính Ngân hàng tại Đại học De Montfort chia sẻ quan điểm tương tự.
Ông Werner lưu ý rằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Anh phù hợp với chính sách hiện tại của xứ sở sương mù nhưng nó vẫn mang tính cấp bách khi Vương quốc Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu.
"Vương quốc Anh luôn luôn cởi mở với đầu tư của Trung Quốc và khả năng Anh dứt áo rời EU có thể làm tăng tầm quan trọng của việc phát triển thương mại với châu Á", ông Werner nói.
Tuy nhiên, khi Anh tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc, chính sách này có thể sẽ chọc giận đồng minh xuyên Đại Tây Dương của họ.
"Quan hệ kinh tế vừa chớm nở dưới thời ông Johnson có thể gây nguy hiểm cho vị trí của Anh trong mạng lưới tình báo Năm Mắt", ông Leung cho hay.
Mỹ thời gian qua liên tục kêu gọi các đồng minh ngăn gã viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei phát triển hệ thống mang 5G với lo ngại gián điệp an ninh. Bất chấp cảnh báo này, London vẫn để Huawei tham gia vào việc thiết lập hệ thống mạng 5G của nước này, trừ các thiết bị lõi.
Quyết định này được đưa ra không lâu sau khi Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thông báo cho thành viên khác trong liên minh tình báo Năm Mắt- gồm Anh, Australia, Canada, New Zealand rằng Huawei nhận tài trợ từ lực lượng an ninh Trung Quốc.
"Với London, mục tiêu của họ là theo đuổi quan hệ hợp tác với cả Washington và Bắc Kinh. Vương quốc Anh sẽ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh truyền thống và cả Trung Quốc với Ấn Độ. Tuy nhiên, chính sách của họ có thể sẽ xoay trục nhiều hơn sang châu Á", ông Leung kết luận.
Bình luận