Trước đó, cuối tháng 11, ông Abe khẳng định nước này và Mỹ sẽ không đứng yên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan và Bắc Kinh cần hiểu điều này.
"Một tình huống khẩn cấp ở Đài Loan sẽ là tình huống khẩn cấp với Nhật Bản và do đó cũng khẩn cấp với liên minh Mỹ-Nhật. Những lãnh đạo Bắc Kinh, nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình không nên hiểu nhầm trong vấn đề này", ông Abe cho hay.
Tuyên bố này của cựu Thủ tướng Nhật Bản khiến Bắc Kinh giận dữ.
Trong cuộc họp khẩn với Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định bình luận của ông Abe "công khai thách thức chủ quyền của Trung Quốc và hỗ trợ cho các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan".
SCMP dẫn nguồn tin thân cận cho biết bà Hoa và ông Tarumi đã có những trao đổi căng thẳng trong suốt cuộc họp. Vào một thời điểm, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn đe dọa nước này có thể "xem xét lại" quan hệ song phương nếu Nhật Bản có hành động xa hơn với Đài Loan.
"Bà Hoa yêu cầu Nhật Bản làm rõ quan điểm chính thức của nước này về Đài Loan. Nhưng phía Nhật Bản tin rằng ông Abe không còn là một thành viên nội các và bình luận của ông chỉ được đưa ra với tư cách cá nhân. Bà Hoa nói thêm rằng nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường này, Trung Quốc sẽ cân nhắc cách họ tiếp cận mối quan hệ song phương và cách họ ứng xử với Nhật Bản", nguồn tin của SCMP cho hay.
Sau cuộc gặp, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói với truyền thông nước này rằng Tokyo không thể giải thích những nhận xét của Abe vì ông đã rời chính phủ.
Ông Matsuno cũng bày tỏ sự không hài lòng về cách Trung Quốc xử lý tình hình và nhắc nhở "Bắc Kinh cần hiểu rằng có những suy nghĩ như vậy ở Nhật Bản".
Nhật Bản gần đây tăng cường các tuyên bố quan ngại về việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như trong các vấn đề liên quan tới Đài Loan và Hong Kong. Tokyo cũng liên tục lên án Bắc Kinh về những hành động mà họ cho là xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản.
Nhiều người hy vọng quan hệ hai bên có thể cải thiện sau khi ông Fumio Kishida, một chính trị gia ôn hòa trở thành tân Thủ tướng Nhật.
Một nguồn tin khác của SCMP tiết lộ đã có những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ giữa hai nước sau khi ông Kishida lên nắm quyền.
Việc ông Yoshimasa Hayashi được bổ nhiệm là Ngoại trưởng hồi tháng trước cũng được xem là một tín hiệu tích cực cho quan hệ Nhật-Trung. Ông Hayashi từ lâu được biết đến là người khá thân thiện với Trung Quốc, từng đứng đầu một nhóm nghị sỹ thúc đẩy trao đổi giữa hai nước.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Hayashi tiết lộ ông được người đồng cấp mời tới Bắc Kinh.
Nhưng một nguồn thạo tin khác của SCMP cho biết Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức và các giao tiếp ở cấp độ làm việc giữa Tokyo và Bắc Kinh có nguy cơ gián đoạn sau tuyên bố của ông Abe.
Nguồn tin này cũng tiết lộ Nhật Bản đã rất giận dữ khi Bắc Kinh công khai nội dung cuộc họp giữa bà Hoa và ông Tarumi bất chấp đề nghị không làm vậy từ Tokyo. Tokyo được cho là cảnh báo ngược Bắc Kinh rằng nước này đang xem xét hủy bỏ một số cuộc đối thoại ở cấp độ làm việc.
Wang Xinsheng - giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Bắc Kinh cho biết tiếng nói quyền lực của các chính trị gia bảo thủ trong nền chính trị Nhật hiện tại đồng nghĩa nước này vẫn sẽ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
"Nhiều khả năng ông Abe sẽ thúc đẩy ông Kishida tiếp tục các định hướng chính sách của mình trong việc đối đầu với Trung Quốc. Quan điểm hoài nghi của Trung Quốc đạt được nhiều đồng thuận ở Nhật Bản. Vì vậy, những gì ông Abe nói có thể có trọng lượng hơn những gì chính phủ Nhật Bản mô tả", ông Wang cho hay.
Chuyên gia này dự đoán quan hệ giữa hai nước sẽ xấu đi trong 5 năm tới và Đài Loan sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề gây tranh cãi.
Bình luận