• Zalo

Tuyển Anh và Rooney, Hodgson chọn đi

Tổng hợpThứ Tư, 20/06/2012 04:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người hâm mộ nước Anh luôn mong Rooney lúc nào cũng là thần tượng trong lòng họ, nhưng đôi khi tiền đạo này có muốn cũng chẳng được.

(VTC News) - Người hâm mộ nước Anh chờ Rooney làm được nhiều hơn thế sao cho xứng với vị trí thần tượng trong lòng họ, nhưng Roy Hodgson đã không tạo điều kiện cho anh phát huy hết năng lực bản thân.

1. Một vấn đề nổi cộm của kinh tế nước nhà mấy ngày qua là Thống đốc Nguyễn Văn Bình xây dựng đề án lập Công ty mua bán nợ xấu. Mục tiêu của công ty này là làm sạch khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Chưa cần nói về việc nguồn tiền khổng lồ ấy sẽ do ai cung cấp và chi trả, mà hãy bàn xem nhiệm vụ của Công ty mua bán nợ xấu này là gì? Nó được lập ra là để cứu ngân hàng hay doanh nghiệp?

Nếu căn cứ vào tên của công ty, hẳn chẳng khó để có câu trả lời. Ngân hàng nhà nước lập ra công ty này là để giải quyết triệt để khoản nợ xấu tích lũy trong hệ thống ngân hàng cứ đều đặn tăng 8,6% hàng tháng, đồng thời đảm bảo được tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng được ví như mạch máu của nền kinh tế. Nền kinh tế muốn ổn định và phát triển bền vững thì nhất thiết phải có một dòng máu khỏe mạnh.

Nhưng nếu đứng ở một góc độ khác, việc siết tín dụng quá chặt trong nửa đầu năm 2012 khiến rất nhiều doanh nghiệp trở nên điêu đứng. Một phần không nhỏ trong số đó đã bị phá sản.

Nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng được cấu thành từ vô vàn các doanh nghiệp. Bởi thế, từ lâu người ta đã coi doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế. Muốn cả nền kinh tế khỏe mạnh thì từng tế bào trong đó không bao giờ được phép đình trệ.

Giữa mạch máu với tế bào, Ngân hàng nhà nước chỉ được phép chọn một. Với cùng một công bỏ ra, nếu đầu tư vào mạch máu, nó có thể kéo theo nhiều tế bào cùng khỏe. Còn nếu đầu tư vào tế bào thì chỉ giúp được một nhóm tế bào cụ thể, và nếu so về độ lan tỏa thì không thể bằng phương án đầu tiên.

Rốt cuộc, Ngân hàng nhà nước đã chọn mạch máu để ưu tiên lấy cái chung.

Roy Hodgson không cần Rooney chơi quá hay 

2. Mâu thuẫn giữa cái chung và cái riêng lúc nào cũng có, và để thành công, thông thường con người ta phải gạt bỏ một thứ để tập trung vào cái còn lại.

Real Madrid với chính sách Galacticos, ưu tiên tuyệt đối cho cái riêng. Chiến thuật của các HLV là làm sao để các siêu sao tấn công của họ thỏa sức sáng tạo. Trái bóng và những đôi chân, tự nó tìm thấy sợi dây liên kết đến với nhau. Và trong 90 phút thi đấu, chỉ cần một lần Ronaldo (bây giờ) hoặc Zidane (trước đây) tỏa sáng là được.

Barcelona thì ngược lại, họ ưu tiên cho cái chung. Messi có thể phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác, là tâm điểm của mọi đợt lên bóng nhưng anh vẫn chỉ là một mắt xích trong lối đá tiqui-taca. Tự bản thân Messi nếu đứng riêng sẽ rất khó có thể rực rỡ đến vậy (ĐT Argentina mà anh phục vụ là ví dụ kinh điển). Trong khi ngược lại, Tây Ban Nha dù không có QBV Thế giới 3 năm liên tiếp vẫn có thể đăng quang tại Euro 2008 và World Cup 2010.

Khó có thể nói lựa chọn nào tốt hơn bởi triết lý bóng đá cũng như con người của từng đội là khác nhau. Nếu Real Madrid chơi tiqui-taca, hay Barca để mặc Messi thích làm gì thì làm như Ronaldo thì chưa chắc họ đã thành công.

Nhưng có một điều chắc chắn nhất, đó là những gì đang tốt đẹp thì không ai dại gì đem phá đi. Real Madrid có Ronalo, một siêu sao hàng đầu thế giới và cả bầy Kền kền trắng đã quen phục vụ cho anh, để một mình anh tỏa sáng. Barca có Xavi, Iniesta, những bậc thầy về lối đá bật nhả, và chỉ ai có vấn đề mới đem xóa cái trục giữa thần thành ấy đi.

Chỉ cần anh ra sân và ghi bàn là được 

3. Bóng đá đã phát triển tới mức cực cao và sự ổn định là điều mà bất kỳ đội bóng nào cũng muốn vươn tới. Nó càng trở nên quan trọng hơn tại các giải đấu lớn, khi một ĐTQG chỉ cần 6 hoặc 7 trận đấu là có thể bước lên đỉnh vinh quang.

Đó là điều mà Roy Hodgson đang theo đuổi và người đàn ông có gương mặt nhang nhác một chú cú mèo này quyết tâm làm đến cùng, kể cả việc “hy sinh” một tượng đài của nền thể thao nước Anh đương đại, Wayne Rooney.

Là niềm tin, niềm tự hào của cả dân tộc, cộng thêm việc 9 tháng chưa ghi bàn trong màu áo ĐTQG và bị treo giò 2 trận mở màn, kỳ vọng đặt vào R10 tại Euro 2012 là cực lớn. Chẳng thế mà trước khi gặp Ukraine, Roy Hodgson còn mạnh dạn phong tước “Pele mới” cho cậu học trò.

Nhưng tất cả chỉ là những lời nói xã giao, còn thực tế trên sân, Gã Shrek không khác một chấm trắng nhạt nhòa là bao. Ngoại trừ bàn thắng khá may mắn, anh chẳng có lấy một cơ hội nào khác để thể hiện. Có thể vì cảm giác của chân sút MU chưa tốt, nhưng phần nhiều là vì cách chơi của Tam Sư. Họ phòng ngự theo kiểu rình rập chứ không phải là phòng ngự phản công. Chiến thuật ấy cần những tiền đạo nhạy cảm như kiểu Inzaghi, hoặc một trung phong cắm đích thực như Andy Carroll để giải quyết trận đấu chỉ bằng một tình huống đơn giản.

Đẩy Gerrard và Parker xuống cực thấp, Rooney thiếu hẳn nguồn cung cấp bóng. Hệ quả là giống như ở MU, tiền đạo 26 tuổi chơi như một tiền vệ tấn công. Điều đó khiến mức sát thương mà anh có thể gây ra giảm sút đáng kể.

Người hâm mộ nước Anh chờ R10 làm nhiều điều hơn thế, làm sao phải xứng với vị trí thần tượng trong lòng họ. Nhưng Roy Hodgson đã không cho anh cơ hội. Bàn thắng trong ngày trở lại với ông có lẽ đã là quá đủ. Ông không muốn đội phó tương lai của Tam Sư chịu thêm sức ép khi chơi quá hay.

Và có thể là do một nguyên nhân khác. 100.000 tỷ đồng chỉ đủ để Ngân hàng Nhà nước cứu hệ thống ngân hàng hoặc các doanh nghiệp. Cũng giống như 40 ngày tại vị của Roy Hodgson chỉ đủ để cứu hoặc tuyển Anh hoặc Rooney. Bóng đá là môn thể thao tập thể và suy cho cùng, trong chiến thắng của đội bóng chắc chắn không thể thiếu dấu giày của bất kỳ một ai.

Quân Hào

Bình luận
vtcnews.vn