18 lần dứt điểm, 13 tình huống sút phạt, tỉ lệ kiểm soát bóng 60%,... những thống kê sau trận không biết nói dối. Tuyển Anh đã chơi trận đấu hoàn hảo nhất ở World Cup trong 8 năm qua, nếu xét trên tiêu chí thế trận. Đội bóng của HLV Gareth Southgate dồn ép đối thủ với thứ bóng đá khiến những người yêu mến tuyển Anh phải sửng sốt: đan bóng nhuần nhuyễn, chuyển cánh nhịp nhàng, chọc khe bất ngờ cùng những pha xử lý với tốc độ chóng mặt.
Cơn cuồng phong của tuyển Anh khiến Tunisia vỡ vụn trong 20 phút đầu, đặc biệt sau bàn mở tỉ số ở phút thứ 11 của Harry Kane với cú sút cận thành. Những pha bóng cận thành cũng là đặc trưng cho sức mạnh tấn công của Anh trong trận này khi lên bóng theo kiểu "áp sát tận gôn" rồi mới tung đòn kết liễu.
Video: Anh 2-1 Tunisia
Sẽ không ngạc nhiên nếu Anh chơi kiểu này trong loạt trận giao hữu, song việc Kane cùng các đồng đội "quay" Tunisia như chong chóng trong một trận đấu ở World Cup là câu chuyện hoàn toàn khác.
Anh đá thế nào ở World Cup trong 8 năm qua, đó là điều ai cũng biết. Không phải ngẫu nhiên đội bóng xứ sương mù được gọi với biệt danh "Tam... Miêu" hay "Sư tử giấy".
Tuyển Anh không ghi quá 1 bàn thắng trong 2 kỳ World Cup gần nhất, dù chỉ phải gặp những đối thủ như Algeria, Mỹ hay Costa Rica. World Cup 2010, Anh bị loại ở vòng 1/8 sau thất bại nhục nhã 1-4 trước Đức. 4 năm sau, Anh không vượt qua được vòng bảng.
Tuyển Anh đã từng rất tệ, về cả thành tích lẫn lối chơi. Nên hôm nay, khi Kane lập cú đúp để giúp "Tam Sư" lần đầu sau nhiều năm ghi được nhiều hơn 2 bàn trong một trận đấu ở World Cup, cộng hưởng với thứ bóng đá hấp dẫn và đa dạng do HLV Southgate dày công xây dựng, người Anh nên tự hào. Đội bóng của họ xứng đáng với những lời động viên.
Nhưng khen đúng thế nào, chê cũng phải khách quan và chính xác như thế.
18 cơ hội để đổi lấy 2 bàn thắng, trung bình 9 lần dứt điểm mới làm rung lưới đối phương 1 lần, tuyển Anh chính là đội tận dụng cơ hội tệ nhất kể từ đầu mùa với tỉ lệ thành công là 11% (chỉ tính riêng các đội ghi bàn).
Tất nhiên, để tạo được cả tá cơ hội như Anh cũng là điều đáng khen, bởi một đội bóng muốn có trên dưới 20 tình huống ăn bàn phải áp đảo hoàn toàn so với đối thủ và sở hữu lối chơi tấn công rất nhuyễn. Đội bóng của HLV Southgate hôm nay đạt đến độ nhuyễn như thế, chỉ có điều, các chân sút tuyển Anh tập phối hợp nhiều quá đến mức quên luôn cách dứt diểm thế nào cho đúng.
Nếu đặt Kane ra ngoài tập thể tuyển Anh trong trận này, ta có thể hình dung đến một kịch bản quen thuộc: Tuyển Anh đan bóng, áp sát khung thành đối phương rồi sút ra ngoài, sau đó đoạt bóng từ đối thủ, tiếp tục phối hợp và lặp lại quy trình trên. "Tam Sư" giỏi tạo cơ hội với những bước di chuyển linh hoạt của Raheem Sterling, Dele Alli hay Jesse Lingard, nhưng ngoài Kane ra, không ai biết làm thế nào để đưa bóng nằm gọn trong lưới đối thủ.
Phong độ kém cỏi của Lingard hay Sterling trong trận ra quân là chấp nhận được, khi tuyển Anh ra quân với đội hình trẻ trung bậc nhất trong nhiều năm qua, với độ tuổi trung bình 26 tuổi 16 ngày. Trẻ người thường đi kèm với... non dạ, nên những vấp váp ban đầu là chuyện bình thường.
Trong dự án thay đổi bộ mặt bóng đá Anh, những nhà nghiên cứu của FA hùng hồn đưa ra bài thuyết trình với mục tiêu cốt lõi là phải thay đổi tư duy nhận thức của cầu thủ Anh, làm sao để chơi bóng đơn giản, trực diện và hiện đại hơn. Người Anh thay dần thói quen "ăn xổi" để chấp nhận đầu tư cho tương lai, nên một chiến lược gia cũng... non kinh nghiệm không kém cầu thủ như Southgate mới được bổ nhiệm. Với đội quân non nớt từ thầy đến trò, không ngạc nhiên khi tuyển Anh chỉ được giao nhiệm vụ lọt vào đến tứ kết.
Dẫu vậy, sự non nớt có thể là một phần nguyên nhân, chứ không thể được đem ra để bào chữa cho trận đấu vất vả của Anh. Nói cho cùng, Lingard, Sterling hay Alli còn trẻ, song đã có kinh nghiệm chơi bóng ở Ngoại hạng Anh trong màu áo của Manchester United, Manchester City hay Tottenham.
Lingard có 3 mùa được trọng dụng ở MU và hưởng mức lương kỷ lục cho một cầu thủ trẻ. Sterling được HLV Pep Guardiola đích thân uốn nắn và được định giá 49 triệu bảng - một kỷ lục khác, trong khi Alli chơi hay đến mức có tin đồn được cả Real Madrid theo đuổi.
Những cầu thủ trẻ ấy, cùng với Kieran Trippier, Kyle Walker, John Stones,... dĩ nhiên là những cái tên không thể xem thường. Nhưng họ vẫn bộc lộ sự chệch choạc trước Tunisia - đội bóng lâu lâu mới được dự World Cup và ngôi sao sáng giá nhất vừa ký hợp đồng với một đội bóng thuộc giải hạng ba của... Anh.
Nhìn lại những pha bỏ lỡ của dàn sao tuyển Anh, người ta sẽ thấy đáng trách hơn là đáng tiếc, khi hầu hết những tình huống dứt điểm nói trên đều được thực hiện rất... vô trách nhiệm và có phần nào đó thiếu tập trung. Nên nhớ, Lingard, Sterling sút bóng ra ngoài ở những tư thế trống trải, khi tỉ số đang là 0-0 - thời điểm người Anh cần rất chắt chiu cơ hội.
Nếu tuyển Anh phung phí khi đã dẫn trước 2-0 hay 3-0, sự kém cỏi của các chân sút sẽ phần nào... dễ xem hơn, và "Tam Sư" không phải hồi hộp chờ đợi đến phút cuối mới được hưởng niềm vui chiến thắng.
Tuyển Anh không bị tạo áp lực, đó là cái hay, song đôi khi lại là cái dở. Bởi không có áp lực cụ thể, các cầu thủ rất dễ thỏa mãn và bị triệt tiêu động lực. Sterling được rèn giũa cách dứt điểm hơn 1 năm, bỗng dưng... trở lại thói quen "sút ẩu" và chơi bóng cá nhân ngày trước, đó là ví dụ tiêu biểu. Kinh nghiệm là hạn chế của dàn sao tuyển Anh, nhưng rõ ràng màn trình diễn kém ấn tượng trước Tunisia không đến từ khía cạnh này, bởi Tunisia còn non nớt hơn Anh rất nhiều.
Do đó, ban huấn luyện tuyển Anh cần nhìn thẳng vào sự thật. Danh xưng "đội hình trẻ nhất trong lịch sử" không phải điều gì đáng tự hào, bởi người ta chỉ quan tâm đội thắng hay đội vô địch, chứ chẳng mấy người nhớ đội bóng đã ra quân với lực lượng trẻ trung thế nào.
Tuyển Anh có thừa tiềm năng phát triển, vấn đề là phải đẩy mạnh hơn nữa tinh thần của các cầu thủ và tạo áp lực cụ thể, bởi Kane không thể lúc nào cũng tỏa sáng và "thay mặt" cả đội để ghi bàn.
Bình luận