Sau hơn một tuần xét xử, chiều 20/4, TAND TP Hà Nội tuyên án với 19 bị cáo trong vụ án gây thất thoát 830 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Bị cáo bị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”:
Bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng giám đốc TISCO) nhận mức án 9 năm 6 tháng tù .
Bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Tổng Công ty thép Việt Nam - VNS) nhận mức án 6 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch kiêm giám đốc TISCO) nhận mức án 8 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng giám đốc VNS) nhận mức án 3 năm tù.
Bị cáo Ngô Sĩ Hán (nguyên Trưởng ban Dự án mở rộng giai đoạn 2 TISCO) nhận mức án 8 năm tù.
Bị cáo Đặng Văn Tập (nguyên Phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án) nhận mức án 7 năm tù.
Bị cáo Đồng Quang Dương (nguyên Phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án) nhận mức án 6 năm tù.
Bị cáo Đỗ Xuân Hòa (nguyên Kế toán trưởng TISCO) nhận mức án 5 năm tù.
Bị cáo Lê Thị Tuyết Lan (nguyên Phó phòng kế toán TISCO) nhận mức án 2 năm tù.
Bị cáo Uông Sĩ Bính (nguyên Phó phòng Kế toán Tổng Cty thép Việt Nam) nhận mức án 2 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Tráng (nguyên Ủy viên kiểm soát VNS) nhận mức án 2 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Trọng Khôi (nguyên Phó tổng giám đốc VNS) nhận mức án 3 năm tù.
Bị cáo Đặng Thúc Kháng (nguyên Trưởng ban Kiểm tra VNS) nhận mức án 3 năm tù.
Bị cáo Trịnh Khôi Nguyên (nguyên Trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS) nhận mức án 2 năm tù.
Bị cáo Nhóm bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”:
Bị cáo Hoàng Ngọc Diệp (nguyên thành viên HĐQT TISCO) nhận mức án 2 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Chí Dũng (nguyên thành viên HĐQT TISCO) nhận mức án 2 năm tù.
Bị cáo Đoàn Thu Trang (nguyên thành viên HĐQT TISCO) nhận mức án 18 tháng tù.
Bị cáo Lê Phú Hưng (nguyên thành viên HĐQT VNS) nhận mức án 18 tháng tù treo.
Bị cáo Nguyễn Minh Xuân (nguyên thành viên HĐQT VNS) nhận mức án 18 tháng tù treo.
Tổng mức án HĐXX tuyên đối với 19 bị cáo là 75 năm 6 tháng tù, trong đó có 3 năm tù treo.
Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa cũng buộc các bị cáo liên đới bồi thường hơn 830 tỷ đồng cho TISCO. Trong đó bị cáo Mừng phải bồi thường 130 tỷ đồng, Trần Văn Khâm bồi thường 120 tỷ đồng, Mai Văn Tinh bồi thường 80 tỷ đồng.
HĐXX nhận định, VKS truy tố 14 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 5 bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của NN, gây thất thoát đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng thiệt hại do dừng dự án là 830 tỷ đồng. Hiện, trang thiết bị của dự án đã bị hư hỏng.
Trong vụ án, TISCO với vai trò chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của dự án. Do đó, nhóm bị cáo từng là lãnh đạo, nhân viên TISCO có vai trò phạm tội cao hơn những người khác. Với cương vị Tổng giám đốc TISCO, bị cáo Trần Trọng Mừng là chủ mưu, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội nên cần áp dụng mức hình phạt cao nhất mới đủ sức răn đe.
Các bị cáo khác thiếu kiểm tra, chỉ căn cứ báo cáo của TISCO cho phép chủ đầu tư thực hiện phần C hợp đồng. Trong đó, bị cáo Mai Văn Tinh là người thực hành tích cực hành vi phạm tội, gây ra hậu quả của vụ án với vai trò sau Trần Trọng Mừng.
Trước đó, VKS cho rằng, ông Trần Trọng Mừng (cựu Tổng giám đốc TISCO) có vai trò cao nhất trong vụ án nên đề nghị HĐXX tuyên mức án 10-11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cùng tội danh trên, bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO) bị đề nghị mức án 9 – 10 năm tù, bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) bị đề nghị 6-7 năm tù. 11 bị cáo là đồng phạm với ông Mừng và ông Tinh bị đề nghị mức án từ 2 đến 9 năm tù.
Còn 5 bị cáo phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" bị VKS đề nghị các mức án từ 1 đến 3 năm tù.
Theo VKS, năm 2005, Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng. TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT VNS.
Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, Tổng Giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng, cùng Tổng Giám đốc MCC ký một hợp đồng có giá trị hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỷ đồng).
Hợp đồng TISCO ký với MCC là hợp đồng trọn gói theo phương thức tổng thầu EPC, trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu USD và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.
Theo hợp đồng, MCC phải hoàn thành dự án sau 30 tháng, nhưng sau 11 tháng khởi công vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu. Đồng thời, MCC rút hết người về nước, nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và điều chỉnh tổng giá hợp đồng tăng thêm hơn 138 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng).
Dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị các điều khoản vô căn cứ nhưng năm 2012, ông Trần Văn Khâm, người đại diện vốn chính của VNS tại TISCO, ký văn bản gửi VNS xin chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng.
Những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc TISCO và VNS dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng.
Bình luận