• Zalo

Tuyên án ông Đinh La Thăng 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ đồng

Pháp luậtThứ Năm, 29/03/2018 15:48:00 +07:00Google News

Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, chiều 29/3, TAND Hà Nội tuyên ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN mức án 18 năm tù và phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, chiều 29/3, TAND Hà Nội tuyên ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN mức án 18 năm tù.

Ngoài ra, 6 bị cáo khác bị tuyên các mức án như sau:

Ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN: 30 tháng tù.

Ông Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN: 7 năm tù tội cố ý; 16 năm tội chiếm đoạt. (tổng mức án đề nghị 23 năm tù)

Ông Vũ Khánh Trường - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 5 năm tù

Ông Nguyễn Xuân Thắng - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 22 tháng tù.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 20 tháng cải tạo không giam giữ.

Ông Phan Đình Đức - nguyên Thành viên HĐTV PVN: 15 tháng cải tạo không giam giữ.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX căn cứ vào tính chất của vụ việc yêu cầu của nguyên đơn dân sự, tòa cho rằng hành vi của các bị cáo là cố ý làm trái nên PVN bị thiệt hại 800 tỷ đồng.

Tòa buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường. Trong đó, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng.

 Còn lại các bị cáo khác mỗi người phải bồi thường 15 tỷ đồng.

tòa tuyên án đinh la thăng

 Ông Đinh La Thăng. (Ảnh: TTXVN)

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn 800 tỷ đồng với cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT (HĐTV sau này).

Ông Thăng cùng Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc), Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng), Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức (cựu thành viên HĐTV) bị cáo buộc biết năng lực yếu kém của Oceanbank song vẫn góp vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng.

Họ cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính về đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Mặt khác, Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…", nhưng ông Thăng cùng thuộc cấp vẫn duy trì 20% vốn ở Oceanbank, không thực hiện việc thoái vốn theo quy định.

Trình bày tại tòa về cáo buộc ký thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm mà không thông qua HĐQT PVN, ông Thăng cho rằng bản thỏa thuận này không có căn cứ pháp lý, chỉ là căn cứ để báo cáo HĐQT.

Lần góp vốn thứ 3 (trị giá 100 tỷ đồng), bị cáo buộc vi phạm Luật tổ chức tín dụng, ông Thăng nói lúc đó mình đi công tác và đã ủy quyền việc điều hành cho cấp dưới nên không biết. Bị cáo sinh năm 1960 khẳng định nếu biết sẽ không cho thực hiện.

Khai báo tại tòa, cựu Chủ tịch PVN luôn khẳng định việc đầu tư góp vốn vào Oceanbank đúng quy định, đúng chỉ đạo.

Trong phần luận tội, viện kiểm sát (VKS) xác định bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo góp vốn trái quy định, phạm tội cố ý làm trái.

Tháng 3/2017, khi bị kiểm tra, để che giấu hành vi vi phạm, ông Thăng nhờ 3 người nguyên là Thành viên HĐTV PVN ký xác nhận việc HĐTV Tập đoàn dầu khí đã bàn bạc, thống nhất việc góp vốn vào Oceanbank hồi tháng 3/2007.

VKS cho rằng có đủ cơ sở xác định bị cáo Thăng biết hành vi sai phạm và có thủ đoạn che giấu. Việc bị cáo khai rằng thực hiện đúng quy định pháp luật là không có cơ sở.

Cơ quan giữ quyền công tố đánh giá lời khai của bị cáo Thăng không đúng sự thật khách quan, thể hiện sự bao biện, né tránh trách nhiệm, coi thường pháp luật.

VKS cho rằng ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường 800 tỷ đồng cho PVN. Các bị cáo khác có trách nhiệm liên đới.

Video: Ông Đinh La Thăng: "Bị cáo không cố ý làm trái"

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn