Đó là trường hợp của anh Lê Sơn (ở Thanh Hoá). Cách đây không lâu, anh Sơn phát hiện mình bị đau hạ sườn trái, lan sang phần ức nên đi khám thì được chẩn đoán bị đau thần kinh liên sườn. Tuy nhiên, siêu âm lại phát hiện ‘bóng đen’ ở gan trái, bệnh viện tuyến huyện phát hiện có tổn thương gan nhưng không rõ là khối u hay áp xe gan.
Nhầm tưởng u gan do sán lá gan làm tổ
Sau khi chuyển lên khám tại bệnh viện chuyên về ung bướu, được các bác sỹ chẩn đoán bị u gan bên trái, có vấn đề về tuỵ mật nên anh Sơn quyết định phẫu thuật cắt 1/4 lá gan bị tổn thương vào ngày 8/6. Tuy nhiên sau 5 ngày trải qua ca phẫu thuật quan trọng, anh Sơn được thông báo ‘khối u’ trong gan anh không phải u ác mà là khối tổn thương do sán lá gan làm tổ.
Theo hồ sơ bệnh án, anh Sơn có tổn thương gan với kích cỡ 3,1cmx4,8cm có hạch rốn gan, đầu tụy, hạch lớn có đường kính 0,5cm. Anh được phẫu thuật cắt thùy gan trái mở rộng, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan.
Giải phẫu bệnh cho thấy, mảnh cắt lấy vào mô gan thấy các ổ hoại tử tăng sinh xơ. Bác sỹ kết luận, gan bệnh nhân Sơn bị áp xe do ký sinh trùng hướng tới sán lá gan hoặc toxocara.
Sau đó, anh Sơn được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị. Hiện, anh được theo dõi phục hồi gan, sử dụng thuốc diệt sán lá gan lớn tại khoa Khám bệnh của viện này. Qua điều trị, các diễn biến lâm sàng của Anh Sơn tiến triển tốt.
Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân Lê Sơn, Thạc sỹ - BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: "Nếu bệnh nhân được làm các xét nghiệm loại trừ bị sán lá gan thì có thể đã không phải làm một cuộc đại phẫu là cắt một phần lá gan.
Qua bệnh nhân này, tôi hy vọng, trước khi đi đến quyết định phẫu thuật cắt bỏ, hãy loại trừ khả năng u trong gan, làm các xét nghiệm để xác định tổn thương gan có phải là do sán lá gan lớn hay không rồi hãy mổ.
Như trường hợp bệnh nhân Sơn này, sau khi cho đi làm xét nghiệm Elisa có kết quả dương tính với sán lá gan, có giun đũa chó, mèo dương tính".
Không chỉ anh Sơn, trong nhiều năm công tác của mình, bác sỹ Thọ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương gan nghiêm trọng do sán lá gan làm tổ.
Như trường hợp chị Trần Thị T (ở Hải Phòng) khi đi khám cũng phát hiện tổn thương gan. Bác sỹ chẩn đoán bị u trong gan và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên do đã từng nghe nói về việc sán lá gan làm tổ trong gan nên trong thời gian chờ xếp lịch mổ, chị T. đã đi khám và phát hiện bị sán lá gan. Sau một thời gian dùng thuốc, siêu âm lại, ‘khối u’ trong gan chị T. đã giảm dần kích thước.
Sán lá gan dễ 'xâm nhập' vào cơ thể con người
Theo bác sỹ Thọ, bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis) là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi Fasciolia hepatica hoặc Fasciola gigantica. Vật chủ chính của sán lá gan lớn là trâu, bò, dê, cừu, lạc đà, người… ngoài ra ngựa, chó, mèo đôi khi cũng là vật chủ chính. Ấu trùng của ký sinh trùng này ở thực vật thủy sinh như rau cải xoong, rau
muống, rau ngổ, rau rút, rau răm… Khi con người ăn những loại rau này hoặc uống nước bị nhiễm ấu trùng có thể bị bệnh.
Nhiều người ăn rau sống được chẻ từ rau muống, ăn rau ngổ sống hay ăn lẩu nhúng rau muống vào nồi và ăn tái có thể vô tình, ăn phải ấu trùng. Sau khi ăn bằng đường miệng, ấu trùng thoát kén và đi xuyên qua thành ruột vào trong khoang phúc mạc và tìm đường đến gan, đến đường mật, ở đó chúng định vị và thành sán trưởng thành.
Người bị bệnh sán lá gan lớn thường có các triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau tức vùng thượng vị và mũi ức; tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng. Bệnh nhân ăn không ngon miệng, cảm giác đầy hơi, thậm chí thấy nghẹn. Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa, sụt cân...
Trong trường hợp anh Sơn, đau phía hạ sườn bên trái, vì lá gan trái của bệnh nhân vắt phía sau dạ dày bị tổn thương do sán. Do đó, nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là bị bệnh dạ dày nhưng điều trị mãi không khỏi. Sau khi trải qua phẫu thuật anh Sơn đã được điều trị tổn thương gan, tiếp tục uống thuốc và theo dõi trong vòng 1 năm.
Khi kén sán lá gan thâm nhập cơ thể sẽ ký sinh ở người khoảng 4 tháng gây tổn thương gan, tạo nhiều ổ áp xe lớn nhỏ, có trường hợp biến chứng vỡ ổ áp xe gây viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng do sán lá gan lớn dẫn đến như viêm đường mật, túi mật, viêm tụy, viêm phúc mạc, thiếu máu... Tuy nhiên, cũng có khi sán lá gan lớn đi lạc chỗ lên tụy, thận, cơ thẳng bụng, phổi, buồng trứng, khớp, mạch máu, tinh hoàn,… gây các biểu hiện bệnh khác thường.
Video: Giun ký sinh quằn quại trong mắt người
Bình luận