• Zalo

Tướng Tô Lâm: 'Triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và kinh tế'

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 09/05/2020 14:21:03 +07:00Google News

Từ đầu năm, Bộ Công an đã triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và kinh tế, nhất là tội phạm núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, tham nhũng, buôn lậu.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5 với chủ đề Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế nhận được nhiều đóng góp của các bộ, ngành với mong muốn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chia sẻ tại đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm không hình sự quan hệ kinh tế dân sự.

Theo đại tướng Tô Lâm, các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật. Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi tối đa về an ninh, an toàn để doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh.

Triệt phá gần 600 băng nhóm tội phạm

Người đứng đầu Bộ Công an cho biết sẽ đánh giá sát an ninh trật tự, tập trung vào các phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội; hoặc lợi dụng chủ trương chính sách thúc đẩy sản xuất kinh, doanh để trục lợi.

Cùng với đó, có biện pháp chủ động, đấu tranh hiệu quả, tạo môi trường an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh. "Tinh thần được quán triệt là an ninh để phát triển, phát triển để bảo đảm an ninh", đại tướng Tô Lâm chia sẻ.

Đồng thời, Bộ Công an sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn việc lợi dụng sơ hở, thiếu sót khi thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tạo cớ gây sức ép cạnh tranh không lành mạnh; trốn thuế; thao túng thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa.

Tướng Tô Lâm: 'Triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và kinh tế' - 1

Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an. Ảnh: Hải Quân.

Theo tướng Tô Lâm, từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, nhất là tội phạm núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, tội phạm tham nhũng, buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại. Từ đó, đảm bảo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo ngành công an khẳng định trọng tâm trong tăng cường quản lý Nhà nước về an ninh trật tự là hỗ trợ tối đa doanh nghiệp nhập cảnh, xuất cảnh; Đảm bảo an ninh cho chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài...

Để đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công an cho biết đã cắt giảm, đơn giản hóa 19 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 81/96 sản phẩm, đến nay chỉ còn 29 sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Tướng Tô Lâm: 'Triệt phá 598 băng nhóm tội phạm hình sự và kinh tế' - 2

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP.

Trong khi đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí dự báo các hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhất định do dịch bệnh. Vì thế, việc thất nghiệp, không có thu nhập sẽ gây bùng nổ tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, sản xuất hàng giả...

Chung quan điểm với lãnh đạo Bộ Công an, ông Trí nhắc lại việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự, nhất là chủ thể sai phạm đã chủ động có phương án khắc phục tốt hậu quả.

Hơn 20.000 tỷ trong gói hỗ trợ an sinh đã đến tay dân

Dưới góc độ quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đánh giá trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng khi quay lại hoạt động, chi phí để tuyển dụng lại cũng rất lớn.

Dẫn khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về việc phải đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho lao động hiện có để phục hồi sản xuất, ông Dung cho biết Bộ này đang tham mưu Chính phủ dành khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện đào tạo lại nguồn nhân lực.

Dự kiến, khoảng 1 triệu lao động sẽ được đào tạo lại bằng cấp chứng chỉ nghề. Bộ Lao động sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành chỉ thị về vấn đề này.

Theo số liệu từ cơ quan này, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 86% doanh nghiệp, doanh thu của hầu hết doanh nghiệp giảm còn 70% so với trước đây. Những thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực hàng không, du lịch, dịch vụ, lao động tự do. 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, mất việc hoặc giãn việc.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì trả lương cơ bản cho nhân viên, người lao động tình nguyện giảm 1 phần thu nhập để chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Với hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ của Chính phủ, ông Dung cho biết sẽ có trên 20 triệu đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh được giúp đỡ.

Đến nay, 63 tỉnh thành đã triển khai hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ hôm nay, các địa phương sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động ngừng hợp đồng, dự kiến với khoảng 7.630 tỷ sẽ được hỗ trợ.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn