Ngày 28/6, ThS.BSCKII Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết, nam bệnh nhân tên L.K.P, là người dân tộc Thái ở Sơn La, được đưa đến Bệnh viện K vào tháng 6/2024 trong tình trạng bụng to vượt mặt.
Trước đó, thấy bụng to lên nhưng anh P nghĩ tăng cân và cũng không có biểu hiện đặc biệt nên không đi khám. Gần đây khi vùng bụng ngày càng to bất thường anh mới đến siêu âm tại bệnh viện địa phương, kết quả phát hiện khối u lớn trong bụng, bác sĩ đề nghị chuyển anh đến Bệnh viện K.
Tại Bệnh viện K, bệnh nhân được chẩn đoán có khối u đặc chiếm toàn bộ ổ bụng, kích thước khoảng 40cm, chẩn đoán ban đầu là u sarcoma mô mềm.
Sarcoma mô mềm là loại ung thư ác tính, nguồn gốc trong các mô mềm của cơ thể (bao gồm cơ, gân, mỡ, bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh). Những bệnh ung thư này có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể nhưng được tìm thấy chủ yếu ở ngực và bụng.
"Khối u quá lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng, chèn lên các tạng như gan, tuỵ, bàng quang, đại trực tràng khiến bệnh nhân khó chịu, kèm theo khó thở", bác sĩ Nam nói và cho biết, nếu không phẫu thuật sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ca mổ nhiều thách thức vì khối u quá lớn.
Theo bác sĩ Nam, u lớn chiếm toàn ổ bụng, tiên lượng ban đầu có thể phải cắt thận mới có thể cắt được trọn vẹn khối u, đề phòng u tái phát nhanh.
"Để loại bỏ khối u này chúng tôi thảo luận kỹ vấn đề kiểm soát mất máu trong mổ và đặc biệt khả năng biến chứng suy tim, bởi u kích thước quá lớn nên sau khi loại bỏ, máu sẽ được bơm về tim khá nhiều, tâm nhĩ giãn ra, có thể dẫn đến suy ti", vị chuyên gia về ung thư nói.
Sáng 26/6, sau nhiều hội chẩn đa chuyên khoa bệnh nhân P được đưa vào phòng phẫu thuật. Các bác sĩ tỉ mỉ bóc tách từng phần khối u, đến khu vực u tiếp xúc với thận và niệu quản, bắt buộc phải cắt một phần niệu quản vì phần đó nằm trọn trong khối u, không thể tách rời được.
Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị máu, điều chỉnh huyết động. Với sự chuẩn bị kỹ càng ekip đã phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u 8kg, bảo tồn thận cho người bệnh, cắt 1 phần niệu quản và sau đó nối lại thành công.
Ca phẫu thuật thành công, người bệnh được duy trì huyết động ổn định trong 72h sau mổ, sau đó được chuyển về khoa, theo dõi và tiếp tục điều trị. Gia đình và bệnh nhân vui mừng, như trút đi được một gánh nặng lớn.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, mọi người không nên chủ quan mà cần đi khám sớm. Đông thời mỗi người nên đi khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị khi còn ở giai đoạn sớm, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Bình luận