• Zalo

Tướng Nguyễn Đức Chung: 'Nhiều giám đốc là lái xe ôm, đang ngồi tù'

Thời sựThứ Năm, 03/12/2015 12:56:00 +07:00Google News

Trong số cách doanh nghiệp còn nợ thuế, có 59.000 doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

(VTC News) – Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, các đối tượng cầm đầu công ty ma thường có thủ đoạn thuê, mượn chứng minh thư nhân dân của người khác để thành lập công ty.

Sáng 3/12, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận, chất vấn về nhóm vấn đề kinh tế, trong đó có lĩnh vực thuế của thành phố.

Ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết, năm 2007, trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, số nợ thuế của Hà Nội là 2.090 tỷ. Tuy nhiên, đến năm 2014, số nợ thuế tăng lên hơn 18.600 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số,  tiền thuế chậm nộp lên trên 5.275 tỷ, chiếm 28% tổng số nợ thuế.

Tính tới thời điểm này của năm 2015, nợ thuế đã tăng lên 21.850 tỷ. Trong đó, tiền chậm nộp là 7.092 tỷ chiếm 36,8% tổng nợ. Như vậy, tỷ lệ chậm thuế tăng theo cấp số cộng, gần 2000 tỷ/năm.

 Ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục thuế Hà Nội

Cũng theo Cục trưởng Cục thuế Hà Nội, trong số 21.850 tỷ tiền nợ thuế nói trên thì có 2.557 tỷ là nợ khó đòi.

Về nguyên nhân nợ thuế lớn, ông Hà Minh Hải cho biết, điều này là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính từ Mỹ năm 2008, tình trạng bất động sản đóng băng vào các năm 2011, 2012...

Ngoài ra, hiện việc truy thu thuế còn gặp khó khăn là do tình trạng nhiều doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Phạm Thanh Mai (Hà Đông) nêu lại con số 10 tháng đầu năm Hà Nội có 12.557 doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, tăng 47% so với cùng kỳ 2014 và phần lớn doanh này đều nợ thuế để hỏi Cục trưởng Cục Thuế rằng: Số doanh nghiệp bỏ trốn địa chỉ kinh doanh luỹ kế đến nay có bao nhiêu ? Theo quy định, các trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời Đại biểu Mai, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết, tính tới thời điểm này, có tổng cộng 59.000 doanh nghiệp còn nợ thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp này là 11.567 tỷ đồng.

Theo ông Hà Minh Hải, các doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh tập trung vào 3 trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, một số đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong việc cấp giấy phép kinh doanh đã lập “công ty ma” để buôn bán hóa đơn, làm ăn bất hợp pháp. Tổng số nợ thuế của nhóm công ty này là gần 400 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp

Ông Hải cho hay, các đối tượng cầm đầu công ty ma thường có thủ đoạn rất tinh vi. Chúng thường thuê, mượn chứng minh thư nhân dân của người khác để thành lập công ty. Chính vì thế, khi cơ quan chức năng tiến hành ra soát thì phát hiện nhiều giám đốc là lái xe ôm, đang ngồi tù, hoặc người bị mất chứng minh thư...

Đáng chú ý, thông thường, các công ty này thành lập xong sẽ giải thể ngay nên rất khó phát hiện.

“Có trường hợp, có tới 5 – 7 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký ở cùng một khu chung cư. Điều này là rất vô lý. Nhưng ngay khi họ thành lập, chúng tôi tới kiểm tra thì không có doanh nghiệp nào hoạt động cả. Họ chỉ thuê địa chỉ chứ không hoạt động.

Nhiều trường hợp, chúng tôi mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận được đối tượng (người đứng tên trong giấy phép là giám đốc doanh nghiệp), nhưng thực tế họ lại là xe ôm, đang trong tù, người mất chứng minh thư nên xử lý rất khó. Hầu hết các trường này, muốn phát hiện thì phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an,” ông Hải cho hay.

Trường hợp thứ hai là những doanh nghiệp thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng hẳn hoạt động. Theo ông Hải, đối với các trường hợp này, cơ quan thuế rất khó nhận diện để truy thu. 

Trường hợp thứ ba, đó là nhiều doanh nghiệp giải thể để thành lập doanh nghiệp khác. “Trường hợp này, họ giải thể nhưng vẫn đủ tiền để thành lập doanh nghiệp khác. Tức là họ có khả năng nộp thuế nhưng không nộp. Trường hợp này có dấu hiệu cố ý chiếm đoạt tiền thuế. Vì vậy, sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, truy tố theo quy định,” ông Hải khẳng định.

Góp ý về vấn đề này, Đại biểu Lê Văn Thành cho rằng, việc thành lập công ty để xuất hóa đơn trái phép là vấn đề rất nghiêm trọng. Để công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an phải làm đến nơi đến chốn, không được làm dở dang. Do đó, phải xem xét việc thành lập công ty thật thận trọng.

“Nếu chúng ta quản lý chặt chẽ việc thành lập doanh nghiệp thì chắc chắn không thể có tình trạng một lái xe ôm lại là giám đốc,” ông Thành nói.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, Đại biểu Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã tiến hành rà soát các công ty thành lập nhưng thực tế thì không hoạt động.

“Trong thời gian vừa qua, công an đang xác minh tất cả các doanh nghiệp đăng ký nhưng không hoạt động, bỏ trốn khỏi nơi kinh doanh. Tôi khẳng định tất cả các công ty giả để buôn bán hóa đơn sẽ được xử lý nghiêm túc,” ông Chung nói.

Nói về một trường hợp “công ty ma” điển hình mà Công an TP Hà Nội từng phát hiện, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, đó là trường hợp bắt giữ đối tượng Nguyễn Trường, ở Thanh Nhàn vào năm 2014.

Nguyễn Trường là đối tượng cầm đầu thành lập 16 công ty ma như: Công ty TNHH Phương bắc, Công ty TNHH Ngọc Châu, Công ty TNHH Hồng Tiến...

Kết quả điều tra cho thấy, Nguyễn Trường đã phối hợp với 2 đối tượng khác lên Sở Kế hoạch Đầu tư xin giấy phép thành lập 16 công ty nói trên. Sau khi thành lập, các đối tượng đã vào TP Hồ Chính Minh để in hóa đơn. Sau đó, các đối tượng đã bán lại hóa đơn để hợp thức hóa chi tiêu của các cơ quan, xí nghiệp...

Trong vòng 6 năm, 16 “công ty ma” của Trường đã bán hóa đơn cho tổng cổng 2.595 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất tất hồ sơ để truy tố 3 đối tượng nói trên.

Đối với 2.595 đã mua hóa đơn trong vụ việc này, cơ quan công an đang điều tra, xác định hành vi cụ thể của từng trường hợp. Bước đầu, cơ quan điều tra nhận thấy có dấu hiệu tham nhũng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, xác định các nhóm vi phạm pháp luật để truy tố trước pháp luật,” ông Chung nói. 

Thông qua vụ việc bắt giữ đường dây của Nguyễn Trường nói trên, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đối tượng có thể dễ dàng thành lập “công ty ma”.

Theo đó, quy định hiện nay thì quá trình cấp phép thành lập doanh nghiệp chỉ trong 3 ngày. Với thời gian này, việc xác định nhân thân của người đứng tên thành lập doanh nghiệp là khó, dễ có thiếu sót.

“Trong vụ việc của Nguyễn Trường, đối tượng này chủ yếu thuê xe ôm với giá 1.000.000 đồng. Lái xe ôm cầm chứng minh thư để giúp Trường đứng tên thành lập công ty. Sau đó, xe ôm nhận 1.000.000, còn Trường đứng ra quản lý các công ty này,” ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, xảy ra tình trạng công ty ma buôn bán hóa đơn còn là do sự giám sát chưa chặt chẽ, thậm chí có cán bộ thuế còn tiếp tay cho hành vi của các đối tượng.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn