• Zalo

Tướng Nga: Mỹ tự bắn vào chân mình nếu rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Thế giớiThứ Tư, 15/08/2018 07:37:00 +07:00Google News

Tổng thống Donald Trump ra lệnh cắt ngân sách cho Hiệp ước Bầu trời Mở giữa Nga và Mỹ, theo trung tướng Nga Evgeny Buzhinsky, việc Mỹ tìm cách rút khỏi hiệp ước này không khác gì hành động tự bắn vào chân mình.

Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn Đạo luật ủy quyền Quốc phòng 2019. Theo đó, Mỹ không tuân thủ nghĩa vụ đóng góp bất cứ khoản ngân sách nào cho việc thực hiện Hiệp ước Bầu trời Mở cho đến khi các hình phạt được áp dụng đối với Nga về các vi phạm trước đó.

Trung tướng Nga Evgeny Buzhinsky, hiện đã nghỉ hưu và là thành viên ban giám đốc tổ chức nghiên cứu an ninh quốc tế PIR-Center giải thích rằng nhiều khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là do các máy bay phản lực đảm nhận nhiệm vụ này của Mỹ trở nên cũ kỹ, không đủ khả năng duy trì các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ Nga.

“Chúng tôi chế tạo xong 2 máy bay phản lực phục vụ Bầu trời Mở với các thiết bị kỹ thuật số hiện đại, mẫu Tupolev Tu-214ON, trong khi đó họ vẫn sử dụng các máy bay cũ. Người Mỹ không muốn ai thấy họ trong điều kiện thiếu hoàn chỉnh như vậy”, tướng Buzhinsky giải thích.

5b72dd0fdda4c8b37c8b45a9

 Máy bay trinh sát Tu-214 ON phục vụ bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở. (Ảnh: Sputnik)

Tướng Buzhinsky cũng giải thích rằng trên thực tế Washington không hề muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Những gì mà quân đội Mỹ sẽ làm trong tương lai là ngừng các hoạt động bay quan sát lãnh thổ Nga, đồng thời từ chối yêu cầu tương tự của quân đội Nga. “Họ có thể làm bất cứ điều gì đằng sau 'chứng bệnh sợ Nga' này, chính vì thế họ có thể sẽ tự bắn vào chân mình hay đầu của mình”, tướng Nga nhận định.

Bản dự thảo của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2019 cũng đe dọa đến cam kết của Mỹ theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) được ký giữa 2 cường quốc hạt nhân vào năm 2010. Theo hiệp ước này, Nga và Mỹ đồng ý không sở hữu quá 800 khí tài bao gồm tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược Hiệp ước này giới hạn số đầu đạn hạt nhân được triển khai là 1.550 mỗi bên, đồng thời yêu cầu Washington và Matxcơva trao đổi thông tin về kho vũ khí hạt nhân của mình.

Tướng Buzhinsky nhận định rằng nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ rút khỏi hiệp ước này khi nó hết hạn vào năm 2021. “Quân đội Mỹ từng tham gia trao đổi thông tin, họ kiểm tra những nơi Nga triển khai tên lửa và họ cảm thấy khó khăn khi phải thực hiện thỏa thuận này”, tướng Buzhinsky nói.

Tuy nhiên tướng Buzhinsky nhận định rằng việc Nga và Mỹ chạy đua vũ trang là điều khó có thể xảy ra, bởi cả 2 cường quốc hạt nhân này chưa hề mất lý trí: “Quay trở lại những năm 1960, cả 2 phía đều nhận thấy rằng chưa cần phải hủy diệt thế giới này đến 10 lần mà chỉ cần 1 lần là quá đủ”.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh ở châu Âu. Hiệp ước có hiệu lực từ năm 2002 và cho phép các nước tham gia công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự lẫn nhau. Theo hiệp ước này, không phận của Nga và Mỹ cho phép đối phương tiến hành các chuyến bay các chuyến bay khảo sát quân sự lẫn nhau.

Video: Máy bay trinh sát Tu-214 ON của Nga

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn