Ngày 27/12, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, quân đội có thể sẽ tiến hành một cuộc đảo chính quân sự, tùy thuộc vào tình hình và diễn biến trên chính trường Thái Lan.
Tờ Thời báo Bangkok dẫn lời Tướng Prayuth cho rằng, cánh cửa cho một cuộc đảo chính quân sự không để ngỏ và cũng không khép lại, nhưng quyết định sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế.
Vị tướng đầy quyền lực - Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái) |
Tuy nhiên, Tướng Prayuth cũng đã tái khẳng định quan điểm trung lập của quân đội, và yêu cầu các bên chống đối phải chấm dứt bạo lực.
Trong khi đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng tạm quyền Surapong Tovichakchaikul đã thừa nhận rằng, một số thành viên Đảng Vì Người Thái lại cho rằng họ thà chấp nhận một cuộc đảo chính quân sự hơn là một chế độ theo chương trình của lực lượng biểu tình chống chính phủ, và phải chứng kiến tương lai của đất nước nằm trong tay "của những người tự dưng xuất hiện".
Ông đề cập đến lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban và Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân của ông, cùng cuộc biểu tình trên đường phố nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và kêu gọi cải cách trước khi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử.
Hôm 26/12, lực lượng biểu tình chống chính phủ đã bất chấp những cảnh báo của cảnh sát, cố tình tràn vào sân vận động trung tâm ở Bangkok, làm gián đoạn công tác chuẩn bị bầu cử khiến cảnh sát phải ra tay ngăn cản dẫn đến xung đột bùng phát.
Cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông, trong khi đó những người biểu tình đã ném gạch đá, chai lọ, gậy gộc về phía cảnh sát. Trong lúc xô xát xảy ra, một cảnh sát tử vong vì bị trúng một viên đạn trong đám đông hỗn loạn và 3 cảnh sát khác bị thương. Ngoài ra, 153 người biểu tình cũng bị thương.
Tuy nhiên, đến sáng nay 28/12, ngày cuối cùng đăng ký ứng cử viên theo danh sách đảng, không còn người biểu tình nào ở bên ngoài sân vận động để cản trở việc đăng ký bầu cử. Đến nay, tổng cộng có 45 đảng đã đăng ký danh sách tranh cử.
Trước đó, ngày 26/12, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã đề nghị chính phủ tạm quyền hoãn cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào ngày 02/02, nhằm ngăn chặn gia tăng thêm xung đột chính trị, đồng thời cho rằng tình hình này, nếu không giải quyết hợp lý, có thể dẫn đến bạo lực ngày càng tồi tệ hơn.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này của Ủy ban Bầu cử. Tuy nhiên, chính phủ tạm quyền Thái Lan đã bác bỏ đề xuất này, vì cho rằng Hiến pháp không cho họ quyền lùi ngày bầu cử đã được Quốc vương phê chuẩn.
Trong lịch sử Thái Lan, quân đội nước này đã tiến hành 11 cuộc đảo chính thành công, do đó các ý định của quân đội luôn được theo dõi sát sao.
Theo An ninh Thủ đô
Bình luận