Trả lời phỏng vấn PV VTC News, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng LLVTND, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam khẳng định, việc du khách Trung Quốc mặc áo in hình “đường lưỡi bò” khi đến Cam Ranh (Việt Nam) xảy ra mới đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà nằm trong chiến lược “chiến tranh tuyên truyền” có bài bản của Trung Quốc.
“Chiến tranh tuyên truyền” bài bản
- Việc một nhóm khách Trung Quốc khi sang Việt Nam du lịch đã mặc áo in hình “đường lưỡi bò” vừa được phát hiện ở sân bay Cam Ranh có phải là sự ngẫu nhiên, thưa ông?
Những hành vi này nằm trong một chiến lược, một lộ trình của Trung Quốc nên đừng nghĩ rằng đó là sự ngẫu nhiên hay một sự nhất thời. Có thể nói, hành động này là chiến tranh tâm lý, chiến tranh tuyên truyền, biến cái không thành có, biến cái nhỏ thành to.
Nếu không có động thái gì, người ta sẽ quen dần và chấp nhận nó để rồi đến lúc nhận ra bản chất thì đã muộn. Cho nên, tốt nhất là đừng có bàng quan, coi thường hay đơn giản hóa chuyện này. Nhất là khi người ta đã có một lộ trình, chiến lược cụ thể.
- Tại một số nước, đối với những trường hợp vi phạm của du khách như trên họ xử lý rất nghiêm. Tuy nhiên, vừa rồi chúng ta đã không trục xuất. Vậy nên chăng chúng ta cần có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với những trường hợp này?
Cần phải luật hóa và khi cần có thể phải trục xuất du khách nếu vi phạm, làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đối với chúng ta, vấn đề này càng không thể nhân nhượng được.
Trong đối ngoại chúng ta phải giữ được độc lập, chủ quyền của mình. Nếu ai đó làm phương hại đến văn hóa, lịch sử, truyền thống của người Việt thì cần phải có thái độ thật rạch ròi.
Tôi nghĩ là đừng vì lý do nào đó mà quên đi việc mình bị xâm phạm để rồi vẫn nhân nhượng. Tôi cho rằng làm như thế là không ổn, mọi thứ cần phải rạch ròi.
- Phải chăng động thái này cho thấy là dấu hiệu “leo thang” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?
Trung Quốc hay tận dụng lúc thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đan xen, họ sẽ có những hành động gây cho người ta sự bất ngờ trong một thời gian ngắn.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Đây là điều nằm trong chiến lược căn bản và tư duy lâu dài của Trung Quốc. Thường thì Trung Quốc hay tận dụng lúc thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đan xen, họ sẽ có những hành động gây cho người ta sự bất ngờ trong một thời gian ngắn.
Đối với Trung Quốc, như tôi vừa nói, hành động của họ nằm trong một chuỗi lộ trình nên đừng ai nghĩ rằng vấn đề Biển Đông đang lắng dịu. Nhìn bên trên bề mặt thấy nước lắng dịu như thế nhưng ở dưới là những con sóng ngầm.
Vấn đề Biển Đông chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, để chúng ta bị rơi vào thế bất ngờ thì sẽ rất khó.
Năng lực quản lý của ngành du lịch đang “có vấn đề”
- Trước việc du khách Trung Quốc mặc áo in hình “đường lưỡi bò” khi sang Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng đây chỉ là “chuyện nhỏ” và không nên vì “chuyện nhỏ” này mà làm ảnh hưởng đến “đại cục”?
Trả lời như thế là không ổn vì đây không phải là câu chuyện ngẫu nhiên. Những người Trung Quốc đi du lịch là họ có chủ ý. Nếu không tỉnh táo, không nhạy cảm mà xem nó là chuyện bình thường thì người ta không chỉ làm có thế, người ta còn làm tới và làm nhiều thứ khác nữa. Lúc đó sẽ không ngăn chặn.
Chúng ta cần phải có thái độ kiên quyết trước những tranh chấp trong suốt những năm qua. Thái độ kiên quyết của chúng ta sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với nước láng giềng, cũng không ảnh hưởng đến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam.
Nếu ai nghĩ rằng thái độ kiên quyết của chúng ta ảnh hưởng đến quan hệ với nước láng giềng hay tiềm năng du lịch thì tôi cho rằng đó là suy nghĩ rất thiển cận.
Với những hành động cần phải ngăn chặn, nhắc nhở, chúng ta phải kiên quyết làm với một thái độ mềm mỏng và có văn hóa.
Trong câu chuyện này, chúng ta không thể xem là bình thường được.
- Vai trò và năng lực quản lý của Tổng cục Du lịch đang khiến nhiều người phải suy nghĩ, thưa ông?
Năng lực quản lý của những người được giao việc này là có vấn đề và chúng ta đừng đơn giản hoá chuyện này.
Có thể nói đây là vấn đề nhạy cảm nên những người làm du lịch, làm văn hóa chỉ cần xử sự không đúng mực cũng có thể dẫn đến sai lầm rất lớn.
Vì thế, những người trực tiếp làm nhiệm vụ này, nhất là trong thời điểm hiện tại phải là những con người có chiều sâu về kinh nghiệm, văn hóa và lịch sử.
Cần phải đào tạo những con người đạt đúng tầm nếu không chúng ta sẽ phải trả những cái giá rất đắt bởi khi chúng ta ngộ ra thì câu chuyện sẽ khó có thể kiểm soát được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận