(VTC News) - Tương lai mỗi người trên thế giới có cơ hội sở hữu một robot như điện thoại di động, ipad hay máy tính xách tay ngày nay.
Ngày 27/10/2012, lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em (DYA). Cuộc thi đặc biệt này diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội, với sự tham gia của 53 đội tuyển đến từ 5 quốc gia (Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore). Đây là một cuộc thi quan trọng mang tầm quốc tế.
Để độc giả hiểu về ý nghĩa của cuộc thi này, đặc biệt là việc đưa môn học robotics vào môi trường giáo dục thiếu nhi, VTC News đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tuấn Hoa, ủy viên Hội đồng giáo dục ASEAN, chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.
Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em năm 2011, diễn ra ở Indonesia |
- Thưa TS, các nhà khoa học trên thế giới đều tin rằng, robot sẽ thay thế nhiều công việc của con người trong tương lai. Là chuyên gia công nghệ thông tin, ông nhận định thế nào?
Robot từ lâu đã mang lại những đóng góp to lớn trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi, máy bay, tàu vũ trụ, thiết bị thăm dò, khai khoáng... vì năng suất làm việc cao, có thể hoạt động nơi con người không thể (trong chân không, môi trường độc hại, phóng xạ...). Lý do duy nhất khiến robot chưa thông dụng là vì giá thành cao.
Với khả năng chế tạo hàng loạt robot với giá thành ngày một hạ, tương lai mỗi người trên thế giới có cơ hội sở hữu một robot như điện thoại di động, ipad hay máy tính xách tay ngày nay.
Lúc đó, thế giới phát triển mạnh mẽ hơn nhiều do con người được hỗ trợ gần như tối đa để tư duy sáng tạo, làm việc với năng suất cao.
Người Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật đó. Mỗi người Việt rồi cũng sẽ sở hữu robot như chiếc điện thoại di động.
Robot là tác nhân đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước. Trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, ở đâu cũng cần có robot như: nông nghiệp, công nghiệp, logistics, quản lý Nhà nước, điều khiển giao thông, giám sát xuất xứ hàng hóa...
Chính phủ vừa ra quyết định xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) – “bộ óc” của mọi robot nên ngành chế tạo robot Việt Nam càng có cơ hội phát triển và phục vụ xã hội. Đây cần được xem là một mũi đột phá quan trọng trong việc giành lại thế chủ động trong phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
- Hiện ở nước ta đã có một số trường tiểu học đưa môn học robotics vào giảng dạy, như trường Đoàn Thị Điểm, trường Xuân Đỉnh ở Hà Nội... Vì sao phải đưa robot vào học ngay từ khi học sinh còn học lớp 1? Học có sớm quá, non quá trong điều kiện chương trình giáo dục tiểu học đã quá nặng?
TS. Nguyễn Tuấn Hoa |
Nói lập trình và lắp ráp robot nghe có vẻ cao siêu nhưng thực ra cũng không đến mức như thế. Điều quan trọng là giúp trẻ làm quen với môi trường sáng tạo đặc biệt này.
Chính cách dạy cho trẻ tư duy logic thông qua robot là cách kéo lũ trẻ ra khỏi những trò chơi nguy hại. Nếu chưa được chọn là môn học chính thức thì là môn ngoại khóa cũng tốt. Với nền giáo dục như hiện nay thì đây là cách làm mới nên khuyến khích.
Trẻ càng có cơ hội tiếp cận phương pháp tư duy logic sớm bao nhiêu càng phát triển trí não sáng sủa bấy nhiêu, tất nhiên là phải hợp cách.
- Một số nước đi đầu về công nghệ trên thế giới đã áp dụng môn học này và coi là môn học chính khóa, thì nó phải có giá trị?
Giá trị cao nhất là trau dồi năng lực tư duy logic, biết kết hợp toán học, vật lý, hóa học, sinh học với các hiện tượng thiên nhiên để giải quyết bài toán. Cách học này rèn luyện năng lực tổng hợp và suy luận.
Những đứa trẻ phát triển tư duy theo hướng này thường ứng xử thông minh hơn các trẻ khác mà không làm cho chúng “già trước tuổi”. Đây là cách ươm tạo các nhà phát minh tương lai – trụ cột của sự phát triển.
- Tôi đã nghe nhiều ý kiến cho rằng, môn học robotics mang ý nghĩa nhân văn? Điều này có vẻ lạ…
Tính đồng đội – cộng đồng, làm việc tập thể, năng lực chỉ huy và chấp hành... biểu hiện rõ vì mỗi đội tham gia thi robotics gồm 3 người: một chỉ huy, một lắp ráp và một lập trình. 3 người phải phối hợp ăn khớp thì robot mới vận hành đúng ý định của con người.
Ngoài ra, học robotics luôn gắn với các chủ đề nhân văn: bảo vệ môi trường, giữ gìn di sản, yêu thiên nhiên, yêu tổ quốc, đồng bào, bạn hữu...
Học robotics rèn luyện khả năng làm việc theo nhóm |
- Hệ thống robot do Tập đoàn DTT lựa chọn đưa vào các trường giảng dạy liệu có sánh được với các nước giàu có? Đây là môn học hoàn toàn mới ở Việt Nam, thì giáo trình sẽ lấy ở đâu?
Hệ thống bài giảng do DTT chọn là lấy từ nguyên mẫu giáo trình dạy robotics trong khu vực của tập đoàn Eduspec (Malaysia) hiện được nhiều nước trong khu vực (Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Indonesia...) sử dụng.
DTT có mời các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam bổ sung, chỉnh sửa thêm cho phù hợp với Việt Nam. Như thế có thể nói chất lượng giáo trình là tốt. Bên cạnh đó, năm nào cũng tổ chức thi robotics quốc tế nên cũng có cơ hội cập nhật, điều chỉnh.
Trẻ em học lớp 1 đã có thể lắp ráp được robot |
- Rồi còn các giáo viên nữa? Trình độ giáo viên có đáp ứng được môn học mới tinh này?
Các giáo viên dạy môn robotics ở các trường tiểu học Việt Nam là những người do DTT chọn, có phương pháp sư phạm và được đưa sang Malaysia học tập, nắm vững giáo trình và yêu cầu chuyên môn.
Họ được bố trí giảng dạy ở các trường học liên kết với DTT và do DTT trả lương để đảm bảo cuộc sống, không phải lo dạy thêm kiếm sống nên luôn chú tâm vào việc đào tạo học sinh của mình.
Các giáo viên của trường muốn tham gia dạy môn này cần được đào tạo và vượt qua chương trình đào tạo giáo viên y như những người do DTT tuyển (bao gồm cả khả năng nói tiếng Anh thành thạo vì thường giáo viên là người trực tiếp dẫn đoàn tham gia thi đấu quốc tế nếu học sinh của mình giành được thứ hạng cao trong các cuộc thi quốc gia).
Học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm lắp ráp robot |
- Chắc chắn rằng các nước tiên tiến trên thế giới đã giảng dạy robotics cho học sinh…
Nhiều nước, như Nhật Bản, cường quốc số một về robot hiện nay, xem dạy robotics là quốc sách nên môn học robotics là chính thức ở cấp phổ thông ở Nhật Bản.
Lên đại học, chương trình đào tạo về tự động hóa – robot ở một số trường đi rất sâu và luôn gắn với các công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là trí khôn nhân tạo và vật liệu mới.
Trong khu vực, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan... đều đưa robotics vào trường học theo những mức độ khác nhau nhưng nhìn chung đều chú trọng vào rèn phương pháp tư duy cho trẻ hơn là một môn học kỹ thuật thực hành.
Xin cảm ơn ông!
Lan Anh(thực hiện)
Bình luận