• Zalo

Tương lai nào cho đường ống nước sông Đà 'nổ' liên tiếp?

Thời sựThứ Ba, 22/07/2014 03:00:00 +07:00Google News

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, sự việc vỡ đường ống nước Sông Đà có sai phạm của đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, sự việc vỡ đường ống nước Sông Đà có sai phạm của đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho biết, sự việc vỡ đường ống nước Sông Đà xuất phát từ sai sót trong vấn đề tư vấn thiết kế, lựa chọn thiết bị công nghệ và sai phạm của đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án.

Đương nhiên, đơn vị thi công, chủ đầu tư có liên quan trực tiếp đến công trình nên cũng không thể không truy cứu trách nhiệm.


Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 9.
Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 9. 

Liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 9, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về nguyên nhân, trách nhiệm của những đơn vị có liên quan đến công trình này.

- Đường ống dẫn nước từ Sông Đà về Hà Nội đã liên tiếp xảy ra sự cố, vỡ đến 9 lần. Là một người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông có đánh giá gì về nguyên nhân xảy ra sự cố và chất lượng công trình này?

Tôi cho rằng sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà sẽ không chỉ xảy ra 9 lần mà tới đây chắc chắn sẽ còn thêm nhiều lần vỡ nữa. Bởi vì chất lượng đường ống có vấn đề, công nghệ được lựa chọn để làm đường ống cũng có vấn đề.


Đường ống Sông Đà dẫn nước từ thủy điện Thác Bà với độ chênh cao gần 80m so với Hà Nội cho nên áp lực nước của 80m này đổ xuống là vô cùng lớn. Bên cạnh đó, đơn vị thi công đã lựa chọn ống dẫn nước của công trình bằng ống cốt sợi thủy tinh.

Ống cốt sợi thủy tinh có khả năng đàn hồi, có khả năng chịu được một số tác động của lực nhưng không chịu nổi khi áp lực nước dồn từ 80m xuống. Đây là áp lực quá lớn nên sẽ ảnh hưởng đến sức bền của vật liệu, chẳng hạn như tôn ở trong lòng đất.


Điều này cũng có nghĩa là khi thi công công trình, chủ đầu tư đã không quan tâm đến áp lực nước từ trên cao, dẫn đến việc thiếu sự tính toán và làm cho đường ống phải tải một áp lực lớn, dẫn đến vỡ đường ống nước Sông Đà.

Cùng với đó, quá trình chọn vật liệu để xây dựng hệ thống đường ống như ống cốt sợi thủy tinh là không chuẩn, không đảm bảo. Thông thường, người ta sẽ phải dùng ống thép, ống gang chứ không ai dùng ống cốt sợi thủy tinh.

Mới chỉ chạy có vài năm mà đã vỡ đến 9 lần thì tôi cho rằng nay mai sẽ còn vỡ nhiều hơn nữa. Bởi vì có một khái niệm là "mỏi vật liệu", khi vật liệu không chịu được nữa thì sẽ dẫn đến vỡ ống.

TS. Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.  

- Chỉ trong một thời gian ngắn mà đường ống nước vỡ đến 9 lần khiến dư luận không khỏi đặt ra nghi vấn về việc ăn bớt nguyên vật liệu hoặc có yếu tố tham nhũng khi thi công công trình. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Tôi không dám đánh giá là có sự tham nhũng hay ăn bớt gì từ công trình này. Nhưng nếu đánh giá về mặt kỹ thuật thì trước khi thi công người ta sẽ phải chọn một phương án thiết kế tối ưu, trong đó phải có những tính toán về yếu tố tự nhiên, xã hội, môi trường.

Đặc biệt là phải hết sức quan tâm đến độ chênh cao của hồ nước Sông Đà so với Hà Nội, phải quan tâm đến lượng nước cung cấp cho Hà Nội lên đến hàng trăm ngàn mét khối suốt ngày đêm.

 
Tôi cho rằng sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà sẽ không chỉ xảy ra 9 lần mà tới đây chắc chắn sẽ còn thêm nhiều lần vỡ nữa.
Ông Nguyễn Văn Lạng
 
Từ việc xem xét tất cả những vấn đề đó mới chọn ra một thiết kế phù hợp, chính xác, hệ thống van, cốt của đường ống như thế nào cho đảm bảo. Thậm chí phải sử dụng đến những trạm, những đoạn chuyển tiếp nhằm giảm áp lực nước hoặc sử dụng các thiết bị, công cụ để giảm áp lực.


Cho nên tôi cho rằng đây là sự sai sót xuất phát từ tư vấn thiết kế, lựa chọn thiết bị công nghệ và ngay cả đơn vị thẩm định, phê duyệt dự án này cũng phải chịu trách nhiệm. Đương nhiên, đơn vị thi công, chủ đầu tư có liên quan trực tiếp đến công trình nên cũng không thể bỏ qua.

Vì vậy, phải có một cuộc tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống đường ống nước Sông Đà để xem có thể tiếp tục sử dụng được không, nếu không sử dụng được thì cần phải loại bỏ để thay thế bằng một hệ thống mới.

- Chúng ta đã sửa chữa rất nhiều lần nhưng đường ống nước vẫn tiếp tục bị vỡ. Vậy nếu cứ vỡ rồi lại sửa liệu có ổn không, thưa ông? Theo ông thì đâu mới là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề này?


Để sửa chữa được hệ thống đường ống nước Sông Đà không phải là dễ, vì sửa chỗ này thì nó lại vỡ chỗ khác. Gốc của vấn đề là áp lực nước và sức bền vật liệu.

Với nhu cầu về lượng nước tại Hà Nội hiện nay và khả năng đáp ứng nhu cầu nước từ Sông Đà thì một hệ thống đường ống là chưa đủ, mà còn phải có thêm hệ thống đường ống thứ hai. Thậm chí nếu có điều kiện thì xây dựng thêm vài ba hệ thống đường ống nước nữa sẽ càng tối ưu hơn, sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân một cách đầy đủ hơn, giá nước cũng sẽ rẻ hơn.

Và đặc biệt là khi xảy ra sự cố như thế này thì chúng ta sẽ có thêm phương án thay thế, cung cấp nước cho người dân kịp thời. Vì cứ mỗi lần vỡ đường ống nước là làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong thành phố, vô cùng bất cập.

Làm thêm một vài hệ thống đường ống dẫn nước, theo tôi không có vấn đề gì. Điều cốt lõi là sau sự cố này, chúng ta sẽ phải chọn công nghệ, thiết bị như thế nào để đảm bảo không xảy ra sự cố nữa mới là điều quan trọng.

- Xin cảm ơn ông!


» Ống nước sông Đà 'nổ' liên tiếp: 'Ông chủ' Vinaconex trần tình
» Đường ống nước sông Đà 'nổ' liên tiếp: Sai sót mang tính hệ thống
» Vỡ đường ống Sông Đà nhiều lần, ai chịu trách nhiệm?

Theo Một thế giới
Bình luận
vtcnews.vn