Hội nghị và triển lãm diễn ra từ ngày 27 – 29/10. Đây là lần đầu tiên Hội nghị về New Directions khu vực Đông Á được tổ chức trở lại tại một thành phố đã từng là chủ nhà. Điều đó cho thấy sức mạnh và sự năng động trong việc gắn kết và hợp tác giữa Hội đồng Anh và Việt Nam với chủ đề dạy, học và khảo thí tiếng Anh.
Với chủ đề Tương lai của Khảo thí tiếng Anh trong các Hệ thống Giáo dục và được phối hợp tổ chức cùng Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP), hội nghị sẽ tập trung vào các vấn liên quan tới tương lai của khảo thí như là một động lực cho công tác cải cách hệ thống dạy và học. Hội nghị năm nay đã thu hút sự tham dự của hơn 400 đại biểu tới từ 12 quốc gia.
Diễn ra trong hai ngày rưỡi, hội nghị chính thức được bắt đầu với phiên toàn thể vào tối 27/10 tại trung tâm Hà Nội và tiếp theo đó là hai ngày với các hoạt động chính của hội nghị bao gồm bốn phiên họp toàn thể, hai phiên thảo luận nhóm và 35 phiên song song, chín phiên thảo luận nổi bật và một hội thảo chuyên đề diễn ra tại trường Đại học Anh quốc Việt Nam – BUV.
Hội nghị và triển lãm đã tạo ra một không gian năng động, nơi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục, các học giả, giáo viên và những người làm trong lĩnh vực khảo thí ở khu vực cũng như quốc tế có thể kết nối, trao đổi.
Đồng thời, các chuyên gia cùng tiếp cận những thông tin về sự phát triển của lĩnh vực giảng dạy và khảo thí tiếng Anh trên thế giới hiện nay.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, chia sẻ: “Với Việt Nam, các bài kiểm tra đánh giá ngôn ngữ đã được coi như một phần quan trọng của hệ thống giáo dục, tiếp sau sự hợp tác giữa Hội đồng Anh và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trong suốt nhiều năm qua.
Chúng tôi tự hào rằng các chuyên gia về khảo thí của Vương quốc Anh đã tham gia hỗ trợ để xây dựng, đánh giá cũng như triển khai những chính sách giáo dục ngôn ngữ hiệu quả tại Việt Nam".
Tại Triển lãm tương lai của tiếng Anh, khách tham quan cùng tham gia chia sẻ quan điểm của mình về tương lai của tiếng Anh. Đồng thời, triển lãm trưng bày và giới thiệu từng chủ đề chính trong cuốn sách “Tương lai của tiếng Anh: Góc nhìn toàn cầu”.
Cuốn sách bao gồm các nội dung đáng chú ý như: Tiếng Anh trong Giáo dục, Tiếng Anh trong môi trường làm việc, và Tiếng Anh trong đời sống hàng ngày. Cuốn sách là ấn phẩm đầu tiên của chương trình nghiên cứu và kết nối toàn cầu do Hội đồng Anh khởi xướng vào năm 2020.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Heather Forbes, Giám đốc các chương trình thi Quốc tế, khu vực Đông Á, Hội đồng Anh cho biết: ‘Hội nghị New Directions Đông Á năm nay sẽ khám phá và tìm hiểu các vấn đề xoay quanh việc tiếng Anh sẽ được hình dung ra sao và tiếng Anh sẽ được sử dụng như thế nào.
Hội nghị cũng thảo luận về việc những kỹ năng nào khác sẽ trở nên cần thiết trong bối cảnh các nền tảng truyền thông và kỹ thuật số đang thay đổi rất nhanh, và những yếu tố này sẽ cần được phát triển và đánh giá xem xét như thế nào trong tương lai.
Hội nghị năm nay cũng tìm hiểu những thay đổi có thể sẽ xảy ra trong chính sách và công cuộc cải cách việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam nói riêng và rộng hơn là ở toàn khu vực Đông Á.
Bên cạnh đó, triển lãm Tương lai của tiếng Anh, một phần của hội nghị năm nay cũng là nơi để chia sẻ tới các đối tác, các nhà lãnh đạo, giáo viên và cả người học trên toàn thế giới về tương lai của tiếng Anh ở một bình diện toàn cầu, rộng hơn.”
Bình luận