Cứ 0h sáng, bé Nguyễn Phương L. 3 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội bắt đầu khò khè, ngáy, lăn lộn, trằn trọc, giật mình khó ngủ đến sáng. Mẹ của bé còn tưởng đó là di chứng sau mắc COVID-19 nhưng tình trạng của bé kéo dài suốt từ Tết.
Gia đình tìm đến nhiều phòng khám, nhưng bệnh của bé không hề thuyên giảm mà ngày càng nặng. Hai vợ chồng thay nhau trông bé, mất ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc hằng ngày. Tại bệnh viện, khi đo đa ký giấc ngủ và nội soi tai mũi họng, bác sĩ không thấy bất thường. Sử dụng thuốc ngủ và tiếp tục kiểm tra cho bé, bác sĩ tai mũi họng phát hiện bé ngáy to và có cơn ngưng thở cũng là lúc hai amiđan cuộn vào đường hô hấp làm tắc nghẽn đường hô hấp, dù amidan của bé không to như khi đã nội soi lúc bé thức.
Trường hợp khác, bé Nguyễn Quốc N. (4 tuổi, nặng 30 kg, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được cha mẹ đưa đi khám vì thường xuyên nói như ngạt mũi và ban đêm khó ngủ. Bác sĩ nghi ngờ bé mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Kết quả giấc ngủ của bé thường xuyên có cơn ngừng thở, ngáy to. Kiểm tra tai mũi họng bác sĩ thấy vùng V.Acủa bé quá phát.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, ngưng thở khi ngủ là tình trạng tắc nghẽn tạm thời đường hô hấp trên lúc ngủ, dẫn đến giảm trao đổi khí và rối loạn giấc ngủ của trẻ.
Nếu không được phát hiện và điều trị thích hợp, ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến học tập, hành vi, bệnh lý tim mạch và chậm phát triển ở trẻ em. Trường hợp nặng (hiếm gặp) của ngưng thở khi ngủ ở trẻ có thể gây đột tử.
PGS An nêu hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là đa phần trẻ bị quá phát V.A và Amidan và béo phì.
Quá phát V.A hoặc amidan liên quan đến yếu tố di truyền, nhiễm trùng, phản ứng viêm tại chỗ. Kích thước của amidan hay V.A lớn làm hẹp đường thở sẽ dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ cho dù mức độ quá phát chỉ là độ 1. Phương pháp đánh giá độ lớn của V.A tốt nhất là dùng máy nội soi.
Trẻ béo phì là một yếu tố rất quan trọng trong ngừng thở khi ngủ, nó có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng nguy cơ cao nhất ở độ tuổi thiếu niên (6-16 tuổi), bệnh thường ở nam giới. Một số yếu tố nguy cơ khác như tình trạng sức khỏe, thần kinh, hệ xương (đặc biệt là xương hàm), bệnh bẩm sinh (bại não, down, chứng loạn dưỡng cơ...)
Ngưng thở khi ngủ có thể gây ra thiếu oxy toàn thân, ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, phổi, thận, tuyến tụy, não,… từ đó gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nguy cơ gây đột tử.
Cha mẹ cũng cần để ý khi trẻ ngáy to (thường ≥3 đêm/tuần), thở bằng miệng, ngưng thở, ho hay bị thức giấc, đổ mồ hôi nữa đêm, mộng du hay mơ ác mộng. Triệu chứng trẻ ngừng thở khi ngủ đó là ban ngày trẻ hay ngáp, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật. Đặc biệt, trẻ có biểu hiện giảm tập trung, học sa sút, hiếu động thái quá, bốc đồng, nổi loạn, hung hăng, khó kiểm soát cảm xúc cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra để phòng tránh biến chứng ngừng thở khi ngủ.
Bình luận