Phát hiện không còn kinh nguyệt cách đây 6 tháng, ở tuổi 50, chị Hạnh cho rằng đây là dấu hiệu của mãn kinh - giai đoạn mà người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Gần đây, chị thấy mệt mỏi, buồn nôn vào buổi sáng, cơ thể thay đổi. Nghĩ đó có thể là biểu hiện của mãn kinh, nhưng đến bệnh viện khám, chị Hạnh sốc khi bác sĩ thông báo chị mang thai.
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người phụ nữ nào cũng phải trải qua giai đoạn mãn kinh, thường vào độ tuổi 45-55. Mãn kinh được chẩn đoán khi phụ nữ trải qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt, và xảy ra tự nhiên do lão hóa khiến cơ thể không còn rụng trứng.
Tuy nhiên, nhiều người sau khi mất kinh vài tháng, thậm chí nửa năm, đã nghĩ bản thân mãn kinh nên từ bỏ các biện pháp tránh thai. Điều này là sai lầm, thực tế khi chưa mãn kinh hoàn toàn 12 tháng, phụ nữ vẫn có nguy cơ mang thai.
Trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh, cơ thể người phụ nữ trải qua thời kỳ là tiền mãn kinh, có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm, với các dấu hiệu như chu kỳ kinh nguyệt bất thường, bốc hỏa, đổ mồ hôi, và khô hạn tử cung.
Do vậy, chỉ mất kinh vài tháng, chị em phụ nữ cần cẩn trọng và tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai nếu không muốn mang thai ngoài ý muốn. Một số phương pháp tránh thai phổ biến có thể kể đến như sử dụng thuốc, bao cao su, đặt vòng tránh thai, cấy que, hoặc triệt sản ở nam giới.
Bác sĩ Thành cũng nhấn mạnh, kể cả khi đã mãn kinh, việc sử dụng bao cao su vẫn rất cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, và lậu.
Bình luận