• Zalo

Tướng Công an và ký ức những năm tháng nghĩa tình ở Liên Xô

Thời sựThứ Tư, 19/08/2015 12:18:00 +07:00Google News

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng học tập tại Liên Xô vẫn in đậm trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên.

(VTC News) – Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng học tập tại Liên Xô vẫn in đậm trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên.

Từ cuối những năm 1970, theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 nước, Việt Nam bắt đầu gửi sang Liên Xô cũ, nay là Liên bang Nga một số học viên ngành công an để đào tạo.

Đây được coi là những “hạt giống đỏ” của lực lượng công an Việt Nam. Những người này đều được tuyển lựa hết sức khắt khe, thường là những người đứng đầu trong các kỳ thi của lực lượng Công an Việt Nam khi đó.

Cho tới nay, đã có rất nhiều học viên ngành công an được đào tạo chuyên nghiệp tại Nga và trở về phục vụ cho sự nghiệp đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự xã hội nước nhà. Nhiều người đã mang hàm cấp Tướng, cấp Tá, giữ những vị trí trọng yếu trong lực lượng Bộ Công an, lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố trong nước…

PGS.TS.Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV) là một trong những người thuộc thế hệ những cán bộ công an Việt Nam đầu tiên được cử đi đào tạo tại Liên Xô cũ. Tới nay, hàng chục năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng học tập tại Liên Xô vẫn in đậm trong ông.
 PGS.TS.Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục IV, Bộ Công an
Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên cho biết, bắt đầu từ năm 1978, những cán bộ công an Việt Nam đầu tiên đã được cử sang Liên Xô để học tập về nhiều chuyên ngành khác nhau như điều tra, khoa học hình sự, giao thông, phòng cháy chữa cháy…

Một số trường Công an thuộc Bộ Nội vụ Liên xô đã đào tạo cán bộ cho lực lượng công an Việt Nam là Học viện An ninh Bộ Nội vụ Liên xô, Học viện Cảnh sát tại Matxcova, Học viện Điều tra (Dự thẩm viên) Volgograd, Học viện Phòng cháy chữa cháy, Trường Trung cấp Giao thông…

Thời điểm đầu những năm 1980, không chỉ Việt Nam mà có tới 12-14 nước Xã hội Chủ nghĩa khi đó gửi nhân sự sang Liên Xô đào tạo như Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức…

Cá nhân Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên được cử đi học tập tại Học viện Điều tra Volgograd từ năm 1980 đến 1985. Đây là 1 trong 2 trường đào tạo điều tra viên nổi tiếng hàng đầu thế giới khi đó (trường còn lại nằm tại Mỹ).

Theo Thiếu tương Chuyên, các trường đào tạo của Liên Xô cung cấp cho học viên một cách cơ bản về lý luận cũng như thực hành. Hệ thống lý luận của các trường Liên Xô nói chung và các trường công an nói riêng là rất phong phú.

Bên cạnh đó, các thầy cô được chọn dạy cho các trường này đa số đều đã qua công tác thực tiễn trong ngành công an. Chính vì vậy, các kiến thức do giảng viên cung cấp đều hết sức thiết thực.

“Tại Học viện Điều tra Volgograd, sau 5 năm đào tạo, các học viên sẽ trở thành những điều tra viên toàn năng. Học viên được trang bị, nắm vững hệ thống lý luận, về luật hình sự, luật tố tụng hình sự, về kỹ thuật điều tra... Bên cạnh đó là những kỹ năng về võ thuật, bắn súng...” Thiếu tướng Chuyên cho hay.

Bản thân Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên, sau khi tốt nghiệp xuất sắc, ông đã trở về nước và dành nhiều thời gian tham gia vào công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho các thế hệ công an đi sau.

Trước khi lên đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục IV, Bộ Công an, PGS.TS.Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên từng có thời gian làm Thứ ký Bộ trưởng.

Thiếu tướng Chuyên kể, năm 1980, đất nước mới thống nhất chưa lâu, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Các học viên sang Liên Xô học tập khi đó tuổi đời còn rất trẻ. Trong hoàn cảnh đó, các cán bộ công an trẻ Việt Nam cũng như các nước đã nhận được tình cảm đặc biệt của các thầy cô giáo Liên Xô.

Các thế hệ thầy cô tại Liên Xô cũ, Liên bang Nga ngày nay gắn bó đối với học viên các nước, trong đó có Việt Nam rất thân thiện, nghĩa tình. Các thầy cô không những coi học viên nước ngoài là học trò mà còn coi là con, là em trong một gia đình. Thầy cô đã chăm lo cho học viên từ trên lớp lẫn ngoài giờ, từ lúc khỏe cho tới lúc ốm đau.


“Lúc đó, cuộc sống của các thầy cô cũng rất khó khăn. Nhưng mỗi khi lên lớp, thầy cô lại mang theo từng quả táo, quả lê, lát bánh mỳ để phát cho học viên vào giờ ra chơi.
Thầy giáo Liên Xô và một số học viên Công an Việt Nam hơn 30 năm trước. Ảnh: ANTV
Với thời tiết khắc nghiệt ở nước Nga, nhiệt độ ngoài trời có khi âm 30-35 độ, nhiều học viên bị ốm, phải nằm viện. Khi đó, các thầy cô lại dẫn theo vợ, chồng vào thăm các học trò. Khi các học trò Việt Nam về nước, thầy cô lại đưa cả gia đình ra nhà ga đưa tiễn. Cuộc chia tay diễn ra trong nước mắt.

Cảm động lắm. Đó là tình cảm không bao giờ chúng tôi có thể quên được. Cho tới bây giờ, chúng tôi và nhiều thầy cô giáo từng giảng dạy mình khi xưa vẫn giữ liên lạc, thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau,” Thiếu tướng Chuyên nói.

Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục IV cho biết, để tri ân tình cảm của thầy cô giáo người Nga, năm 2014 vừa qua, các học trò là công an Việt Nam đã mời một đoàn thầy cô giáo từng giảng dạy mình khi xưa sang thăm Việt Nam.

“Thế hệ các thầy cô giáo giảng dạy chúng tôi thời đó nay đều đã về hưu. Nhiều thầy cô đã qua đời vì tuổi cao sức yếu. Vừa qua, chúng tôi may mắn mời được một số thầy cô sang thăm Việt Nam. Các thầy cô này, người trẻ nhất cũng đã 70 tuổi. Chúng tôi đã đưa thầy cô đi thăm 8 tỉnh thành phố từ Bắc vào Nam. Đi tới đâu, các thầy cô cũng được các học trò cũ giành tình cảm nồng hậu.”

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuyên cho biết thêm, hiện Bộ Công an đang làm thủ tục đề nghị Nhà nước tặng Huân chương hữu nghị cho các trường đào tạo cho Công an Việt Nam những năm của Liên Xô cũ, Liên bang Nga ngày nay.

Đây cũng là hành động nhằm cảm ơn các thầy cô, ghi nhận sự giúp đỡ của các trường Liên Xô cũ, Liên bang Nga ngày nay đối với công an Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Minh Quyết
Bình luận