Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc Công an TP Hà Nội đã điều chuyển công tác của ông Đinh Bá Pha – phó công an phường Giảng Võ do ông này “thiếu tinh thần trách nhiệm” trong vụ kẻ gian phá cây rút tiền ATM trong đêm 10/1 vừa qua.
Vụ việc này khiến dư luận liên tưởng đến Bộ trưởng Đinh La Thăng với pha “trảm” quân ngoạn mục tại sân bay Đà Nẵng.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News về những vụ “trảm quân” gây chấn động dư luận này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chẳng phải chỉ có những người ở cấp công an phường, giám đốc công ty này, công trường kia mới đáng bị “trảm” đâu mà còn nhiều người ở những cấp cao hơn đáng bị trảm nữa.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
- Gần đây các tư lệnh ngành “thi nhau” trảm quân. Ông có bình luận gì về việc này?
Việc thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, ở nước ta nó ít khi xảy ra bởi ai đã được ngồi vào chiếc “ghế” nào rồi thì cứ bám chặt lấy chiếc ghế đó thôi. Ngay cả khi mắc khuyết điểm, họ cũng nhất quyết không chịu rời ghế.
Do vậy, việc một số vị lãnh đạo ở các Bộ, ngành, hay ở các địa phương “trảm quân” ngay tại trận là rất đáng hoan nghênh. Nhưng thú thật, khi việc ấy được coi là hiện tượng mới ở Việt Nam thì đó là điều rất đáng buồn vì lẽ ra ta phải làm từ lâu rồi.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, với một số trường hợp thậm chí chúng ta phải kỷ luật họ nặng hơn nữa chứ không chỉ dừng ở việc điều chuyển công tác.
Chẳng nói đâu xa, trong vụ kẻ gian phá cây ATM trên đường Giảng Võ (Hà Nội) rạng sáng 10/1, người dân đã vào báo tin cho công an phường, nhưng công an phường làm ngơ, không kịp thời ngăn chặn hoặc điều tra và báo cáo cấp trên thì phó trưởng công an phường phải “lột bớt sao” chứ chuyển công tác còn là nhẹ.
- Ông có cho rằng việc “trảm quân” đang trở thành trào lưu trong các Bộ, ngành?
Mới chỉ có một vài vụ thôi thì chưa thể gọi là trào lưu được. Thực ra, việc “trảm” quân như thế cũng đặt ra một thách thức lớn về công tác cán bộ vì theo nguyên tắc thì công tác cán bộ là của Đảng, trước khi “thăng” hay “trảm” đều phải có ý kiến của cấp ủy. Nhưng nếu cứ phải chờ thực hiện đầy đủ quy trình thì hỏng hết việc rồi còn đâu?!
- Đó phải chăng cũng là một cách để thể hiện quyền lực thực sự của người thủ trưởng, thưa ông?
Theo tôi hiểu, tướng Chung “trảm quân tại trận” là do đòi hỏi của công việc, chứ hoàn toàn không phải để thể hiện quyền lực của mình. Nhưng đã là người đứng đầu thì phải có quyền. Nếu không, đến lúc hỏng việc, làm sao người đứng đầu chịu trách nhiệm được?
- Cũng có ý kiến cho rằng, nếu cứ “trảm” tại trận như thế, liệu các tướng có đủ kiếm để “trảm” không?
Tướng Chung 'trảm' quân ngay tại cuộc họp
Tôi nghĩ vấn đề chỉ nằm ở việc họ có dám kiên quyết xử lý hay không. Hai nữa là họ làm được đến đâu vì có những chỗ “sờ” vào khó lắm.
- Đằng sau câu chuyện xảy ra ở phường Giảng Võ, nhiều người nghĩ tới thực trạng đáng buồn về tư chất của một số cán bộ - những công bộc của dân. Cá nhân ông có cùng suy nghĩ ấy không?
Chuyện ấy thì rõ quá rồi còn gì. Lẽ ra chúng ta phải thay thế các cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất từ lâu rồi mới phải.
- Nếu các tư lệnh ngành quyết liệt trong việc “trảm quân” kém cỏi, theo ông có khoảng bao nhiêu % quân bị “trảm”?
Rất khó để đưa ra một con số cụ thể bởi làm gì có ai thống kê? Nhưng tôi nghĩ con số đó nhiều lắm và chẳng phải chỉ có những người ở cấp công an phường, giám đốc công ty này, công trường kia mà còn nhiều người ở những cấp cao hơn đáng bị trảm nữa.
- Nói về những người bị “trảm”, theo ông ngoài chuyện kém cỏi chuyên môn, phẩm chất, còn có các lý do khác không?
Trước tiên, lý do bị “trảm” là yếu kém về năng lực, phẩm chất. Nếu họ không yếu kém, không có khuyết điểm, làm sao cách chức họ được? Nhưng cũng phải thừa nhận rằng còn rất nhiều người tệ như thế hoặc hơn thế không “trảm” được vì họ có ô dù mạnh.
- Từ xưa tới nay ở Việt Nam thường quy trách nhiệm cho tập thể. Với việc “trảm quân” như trên, theo ông, việc quy trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể của chúng ta đã có một bước tiến dài so với trước hay chưa?
Người ta kể rằng có đứa cháu về nhà hỏi ông: “Cháu chơi trốn tìm, trốn kĩ thế nào cũng bị các bạn phát hiện ra. Vậy, ông bảo cháu phải trốn vào đâu mới được?”.
Ông nó cười: “Tốt nhất là cháu hãy trốn vào tập thể". Chuyện này chỉ người Việt Nam mình mới hiểu và cười được. Bởi vì chúng ta quen quyết định theo ý kiến “đồng thuận” của tập thể nên nếu có sai sót thì chẳng cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm cả.
Nhưng đúng ra thì người đứng đầu và người phụ trách lĩnh vực phải chịu trách nhiệm chứ, vì tập thể có quyết cái gì thì cũng do chính những người đó đề xuất, thuyết phục mọi người thông qua. Nếu đề xuất sai thì anh phải bị “trảm” chứ?!
Đó là nói chuyện quan hệ tập thể - cá nhân. Còn hỏi rằng nước ta đã đạt được bước tiến dài hay chưa thì xin nói thẳng là “trảm” vài viên “quan mọn” mới chỉ là một bước ngắn, rất ngắn thôi.
- Vậy theo ông chúng ta có nên nhân rộng hành động đầy bản lĩnh này?
Như tôi đã nói, trong những vụ “trảm quân” vừa qua, mấy viên “quan” bị trảm cũng chỉ là “quan” cấp thấp. Cấp nào sai cũng có hại, nhưng so với cái sai của những cấp cao hơn thì cái sai của mấy ông “quan” này chỉ là viên đá so với quả núi. Bao giờ đá hay núi cản đường cũng bị san bằng quyết liệt như nhau thì khi ấy mới có được những con đường thênh thang, bằng phẳng.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận