• Zalo

Tưởng bệnh nặng sau khi đặt vòng tránh thai

Sức khỏeChủ Nhật, 16/12/2012 03:43:00 +07:00Google News

Mặc dù hiệu quả tránh thai cao song đặt vòng cũng mang lại những tác dụng phụ không mong muốn.

Mặc dù hiệu quả tránh thai cao song đặt vòng cũng mang lại những tác dụng phụ không mong muốn.

Hỏi: Chào bác sĩ. Em đã lập gia đình và có 1 em bé 2 tuổi. Vì chưa muốn sinh thêm em bé nên em áp dụng biện pháp tránh thai là đặt vòng. Em đã đặt được 4 tháng nhưng cứ mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt là em lại bị ra nhiều hơn bình thường, có tháng lên đến 7 ngày, có kì sạch rồi nhưng vài ngày sau lại thấy kinh xuất hiện.

Vậy em phải làm thế nào bây giờ, em có nên tháo vòng ra không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!

Hà Nguyễn (Hà Nội)

Các kiểu tránh thai phổ biến. Anh Internet 
Trả lời

Hà Nguyễn thân mến,


Đặt vòng là một biện pháp tránh thai đã có từ lâu và đến ngày nay vẫn được nhiều chị em áp dụng. Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ bằng nhựa được đặt vào tử cung. Gọi là “vòng” vì những năm trước chủ yếu có hình tròn, song nó còn nhiều loại khác hình chữ T, chữ S và hình cánh cung…


Phổ biến nhất hiện nay vòng tránh thai hình chữ T và cánh cung, có quấn đồng. Đuôi vòng có hai dây nhỏ thò ra âm đạo độ 2-3 cm để giúp kiểm tra vòng còn ở đúng vị trí hay không.


Vòng tránh thai làm thay đổi môi trường của nội mạc tử cung và ngăn không cho tinh trùng đi vào lòng tử cung để gặp trứng và thụ tinh. Các loại vòng khác nhau có thể có thời hạn sử dụng khác nhau.

Tuy nhiên, cũng giống như các biện pháp tránh thai khác, ngoài tác dụng tránh thai, đặt vòng tránh thai cũng có các tác dụng phụ. Và một trong các tác dụng phụ đó là ảnh hưởng đến kinh nguyệt của người phụ nữ. Ví dụ như trường hợp của bạn, kinh nguyệt thất thường, lúc nhiều lúc ít, không ổn định và thậm chí còn thấy rong kinh... cũng là một tác dụng phụ sau khi đặt vòng.

Những ngày mới đặt, chị em có thể cảm thấy hơi vướng víu nhưng sau đó sẽ quen dần. Ngoài ra, vòng tránh thai cũng có một số tác dụng phụ khác, chẳng hạn như nguy cơ viêm vùng chậu, hiếm muộn, thai ngoài tử cung và tuột vòng.

Song, với y học hiện đại, vòng tránh thai được làm bằng những chất liệu hiện đại, thao tác vô trùng nên nguy cơ viêm vùng chậu là rất thấp, tình trạng tuột vòng cũng  được hạn chế.


Mặc dù là phương pháp tránh thai "truyền thống", nhưng biện pháp đặt vòng tránh thai lại không phù hợp với những đối tượng chị em sau:

- Có thai hoặc nghi ngờ có thai, sau phá thai bị nhiễm trùng

- Đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước

- Viêm cổ tử cung mủ nhầy, bệnh lý ác tính đường sinh dục

- Dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung; bị bệnh lao vùng chậu

- Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị

- Bị ung thư vú…

Nếu tình trạng kinh nguyệt thất thường của bạn kéo dài và không có dấu hiệu chuyển đổi thì bạn nên đi khám phụ khoa để kiểm tra xem vòng đặt đã đúng vị trí chưa, có tác động lớn đến bộ phận nào không hoặc có phù hợp với cơ thể bạn không... Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ chẩn đoán và kết luận bạn nên tiếp tục đặt vòng hay tháo ra.

Chúc bạn vui khỏe!


Theo Kiến thức

Bình luận
vtcnews.vn