Cá tầm siêu rẻ bán đầy chợ
Cá tầm đang là món ăn ưa thích của nhiều người dân Hà Nội nhưng do không kiểm soát được nguồn gốc nên món cá bổ dưỡng này có thể gây nguy hại cho người ăn.
Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc được bán với giá khoảng 160.000 đồng/kg, dù những người bán đều khẳng định đây là cá tầm Sapa. Tại chợ Thái Thịnh, Hà Nội, gần trưa, cá tầm có giá siêu rẻ, chỉ 120.000 đồng/kg.
Đại diện một Cty chuyên sản xuất, kinh doanh cá tầm thương phẩm tại Vĩnh Phúc cho biết, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội cá tầm Trung Quốc có giá bán từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Ông nói: “Tôi khẳng định đó là cá tầm Trung Quốc nhập lậu vì giá chúng tôi bán buôn tại nơi sản xuất đã trên 170.000 đồng/kg”.Cá tầm Trung Quốc bày bán tại chợ Việt Nam với giá rất rẻ.
Theo Viện Chăn nuôi, nhiều loại thủy hải sản nhập lậu từ Trung Quốc chưa qua kiểm dịch có thể gây nguy hại cho người sử dụng bởi chúng được nuôi bằng thức ăn tăng trọng, có khả năng gây đột biến gen.
Mới đây, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ nhiều xe hàng chở cá tầm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Ngày 29/4, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xe ôtô tải mang biển kiểm soát 14C-05189 do Trần Ngọc Thịnh (trú Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) điều khiển. Xe đang dừng đỗ trên đường Tam Trinh (Hoàng Mai), phát hiện trên thùng xe có nhiều bể nước đựng 210 con cá tầm (trọng lượng 525kg).
Sau đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ôtô biển kiểm soát 30N-8575 do Đỗ Thành Nhiên, trú tại huyện Xuân Trường (Nam Định) điều khiển, phát hiện trên xe có 190 con cá tầm (trọng lượng 475kg). Kiểm tra xe ôtô tải biển kiểm soát 31F-8774 do Đào Văn Việt (trú tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) điều khiển, phát hiện trên xe có 280 con cá tầm (trọng lượng 860kg). Toàn bộ số hàng mà các xe nói trên vận chuyển không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lượng cá tầm Trung Quốc giá rẻ đổ bộ qua biên giới vào nội địa nhiều, khiến người nuôi cá tầm trong nước khốn khó. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, cá tầm Trung Quốc có giá rẻ là do Trung Quốc tự sinh sản được giống trong khi Việt Nam phải nhập khẩu từ Nga, và đặc biệt, giá thức ăn rẻ hơn nhiều lần.
Bởi vậy, doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước đều khó cạnh tranh được về mặt giá thành. Hầu hết doanh nghiệp nuôi và kinh doanh cá nước lạnh đang hoạt động rất cầm chừng vì không chịu đựng nổi sự xâm lấn của cá tầm Trung Quốc.
Ham lợi nhuận
Hiện chế tài xử phạt cho việc buôn lậu cá từ Trung Quốc rất thấp, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, lợi nhuận từ những chuyến hàng này lại rất lớn nên các đối tượng vẫn cố tình vi phạm.
Cá tầm là đặc sản vùng khí hậu lạnh, ở Việt Nam, chỉ nuôi được ở những vùng có khí hậu mát như Sapa và tại sao cá tầm được bán tràn lan vào Việt Nam với giá rẻ như vậy? Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phân tích, mấu chốt vấn đề nhiều khả năng đang nằm ở câu chuyện thức ăn cho cá tầm.Cá tầm Trung Quốc mập, ngắn, cá tầm Việt Nam thon, dài. (Ảnh: An ninh thủ đô)
Ông Điền cho biết, cá tầm đã được đưa vào nuôi với quy mô rất lớn tại nhiều địa phương ở Trung Quốc từ rất lâu, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Châu – vùng giáp với biên giới Việt Nam.
Cùng với việc phát triển vùng nuôi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc từ lâu cũng đã tự sản xuất được thức ăn chuyên dụng cho cá tầm với giá rất rẻ, hiện nay chỉ bằng khoảng 50 – 60% so với giá cám bán tại Việt Nam.
Với điều kiện đó, giá thành sản xuất mỗi kg cá tầm thương phẩm tại Trung Quốc hiện nay thực chất chỉ vào khoảng 60-70 nghìn đồng/kg.
Theo ông Điền, các vùng nuôi cá tầm lớn tại Quảng Châu hiện nay chỉ cách biên giới nước ta khoảng 3 giờ chạy ô tô. Điều này giải thích, với quy mô nuôi rất lớn, việc cá tầm Trung Quốc về tới các chợ đầu mối phía Bắc, bán với giá trên dưới 100.000 đồng, thậm chí chỉ 70 – 80 nghìn đồng/kg là hoàn toàn dễ hiểu, thương lái vẫn lãi.
Ông Nguyễn Huy Điền nói thêm: “Muốn biết chất lượng cá tầm của ta so với cá tầm Trung Quốc thế nào, cần phải lấy mẫu phân tích về các hàm lượng dinh dưỡng mới có thể khẳng định được.
Việc giá cá tầm Trung Quốc bán rất rẻ liệu có liên quan gì tới việc sử dụng chất tăng trọng, chất kích thích hay không cũng khó mà khẳng định được".
Cơ quan chức năng nói gì?
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) thừa nhận, việc nhập lậu thủy sản từ Trung Quốc đang diễn ra hết sức nghiêm trọng.
“Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường chỉ có chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nội địa. Còn việc hàng qua biên giới là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều địa phương”, ông Lam nói.
Chiều 7/5, trả lời phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Tám khẳng định, ông sẽ kiến nghị Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trung ương (Ban 127 trung ương) giải quyết vấn đề “Cá tầm Trung Quốc lậu”.“Là bộ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, chúng tôi rất bức xúc trước hiện tượng gia cầm, cá tầm nhập lậu. Chúng tôi sẽ phối hợp tích cực với các bộ ngành có chức năng chính về chống buôn lậu để giải quyết. Dù rất cố gắng nhưng vẫn có một lượng không nhỏ cá tầm và tôm, cá giống nhập lậu qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát.
Thực tế, số lượng hàng nhập lậu còn lớn hơn nhiều so với số lượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý” – Thứ trưởng Tám nói.
Điều đáng lo ngại là các loại thủy sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không hề qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng do tồn dư kháng sinh vượt quá mức cho phép.
Tuy nhiên, về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong kiểm soát cá tầm thông qua công tác kiểm dịch, nhiều ý kiến cho rằng đang có kẽ hở rất lớn. Dù Cục Thú y có trạm kiểm soát tại sân bay Nội Bài nhưng chỉ thực hiện kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; không kiểm soát hàng lưu thông trên các chuyến nội địa.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng không có trạm kiểm soát thú y tại sân bay Nội Bài. Trong khi đó, cá tầm Trung Quốc được nhập lậu vào nội địa qua đường bộ, rồi “thẩm lậu” từ Bắc vào Nam qua đường hàng không nội địa.
Về vấn đề này, thứ trưởng Tám lý giải: Do đã bố trí các trạm kiểm dịch ở đường bộ, cũng là trên đường đi và đến các sân bay nên không nhất thiết phải có các trạm tại cảng hàng không nội địa.
Trước câu hỏi, dù có trạm đường bộ, nhưng cá tầm lậu đã lọt dễ dàng bằng đường không và “sẽ bay nhanh, bay xa” trong nội địa, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết sẽ nghiên cứu có nên lập trạm kiểm dịch nội địa tại cảng hàng không hay không.
Cũng trong chiều 7/5, một lãnh đạo đội Quản lý Thị trường số 10- Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị quản lý khu vực sân bay Nội Bài tiết lộ: Hiện tượng cá tầm Trung Quốc là có xảy ra.
Tuy nhiên, các chủ hàng thường hợp thức hóa các thủ tục về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ và quay vòng các giấy tờ này nên lực lượng Quản lý thị trường rất khó xử lý.
Nam Anh(tổng hợp)
Bình luận