Bạn hoàn toàn không thể nhìn vào độ tuổi của một người để phán đoán xem họ cần phải có bao nhiêu tiền. Bởi lẽ, nhu cầu, môi trường sống, sự may mắn, những nỗ lực… có đến hàng tỷ yếu tố có thể ảnh hưởng đến số tiền trong tài khoản của những người cùng tuổi.
Dù cho ở độ tuổi nào, 20 hay 40, 60, việc cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm là chuyện của bạn, chứ xã hội không hề có tiêu chuẩn thống nhất nào hết. Nếu bạn còn đi học, dù bạn không có tiền tiết kiệm cũng không ai khinh thường bạn hết, là học sinh thì việc học mới là quan trọng, cơ hội kiếm tiền tương lai còn rất nhiều.
20 tuổi, thậm chí 30 tuổi không có tiền tiết kiệm không sao hết, không có nhà không sao hết, không có xe không sao hết, điều quan trọng hơn cả chính là cách mà bạn sử dụng những đồng tiền mà mình hiện có.
Chẳng ai có thể quyết định rằng cuộc sống của bạn như thế nào là đúng, cần bao nhiêu tiền là đủ. Nhưng tự quyết không có nghĩa là để thả nổi dòng tiền, vô tư vô nghĩ với đồng tiền mình làm ra và tương lai của bản thân.
Có hai lỗi phổ biến trong chi tiêu mà nhiều người trẻ thường mắc phải:
Chi tiêu theo tâm trạng
Nhiều người trẻ tuổi thường dễ “vung tay quá trán”, tiêu tiền một cách quá mức vì nó tạm thời giúp họ cảm thấy tốt hơn. Vui thì đi shopping ngập nhà, buồn thì nhậu nhẹt tiệc tùng hoành tráng. Việc chi tiêu theo cảm xúc như vậy là khá nguy hiểm vì nó khiến bạn mất kiểm soát. Cảm giác thỏa mãn khi tiêu tiền chỉ có trong chốc lát, nhưng hệ lụy về sau thì còn kéo dài.
Quá tiết kiệm
Thường thì những người trẻ mắc kẹt trong vấn đề tài chính sẽ áp dụng cách tiết kiệm 100%, không để dư ra bất kỳ khoản tiền nào để tiêu xài. Sống như vậy thật nhàm chán và không đáng chút nào. Chưa kể việc này sẽ trở nên nhàm chán một cách nhanh chóng, và thực sự có thể dẫn đến một cuộc tiêu xài hoang phí hơn sau đó.
Thay vì cứ vật lộn với tư tưởng tiêu tiền hay tiết kiệm, tại sao không tìm phương án để dung hòa hai thứ ấy lại. Có một cách để vừa sở hữu được khoản tiền đảm bảo cho tương lai vừa không cảm thấy khó chịu, gò bó vì phải dè sẻn quá mức, đó là học cách yêu thích việc tiết kiệm.
Chuyên gia tài chính Suze Orman đã từng chia sẻ rằng: “Bạn cần có được niềm vui từ việc tiết kiệm cũng như khi chi tiêu vậy”.
Tiết kiệm không phải là điều tiêu cực hay hạn chế, đó là cách bạn kiểm soát đồng tiền của chính mình. Hãy nhớ rằng, tiền của bạn không kiểm soát bạn!
Theo chia sẻ của chuyên gia tài chính này, thay vì thay đổi hoàn toàn thói quen chi tiêu của bạn bằng cách tuân theo các giới hạn chi tiêu, hãy tìm ra khoản mà bạn thường chi tiêu nhất và bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ. Ví dụ, nếu bạn cắt tóc bốn tuần một lần và chúng "ngốn" của bạn số tiền không nhỏ, hãy thử cách sáu tuần cắt tóc một lần để tiết kiệm.
Khi bạn xem việc tiết kiệm là niềm vui thì sẽ chẳng còn phải đặt nặng chuyện bao nhiêu tuổi phải có bao nhiêu tiền. Bởi vì việc tiết kiệm đã là một phần của cuộc sống, và mỗi người sẽ có một nhu cầu và định nghĩa niềm vui khác nhau. Chỉ cần bản thân cảm thấy hài lòng với điều kiện và cuộc sống hiện tại, thì những chuyện còn lại chẳng còn quá nặng nề. Suy cho cùng, đồng tiền làm ra để phục vụ con người chứ không phải ngược lại.
Bình luận