- Là một người từng tham gia ngồi ghế nóng, anh có nhận xét như thế nào khi có quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc với đầy đủ dòng nhạc hiện nay?
Theo Tùng Leo, tất cả mọi việc đều dựa trên 2 yếu tố, thứ nhất là hướng suy nghĩ về mặt tích cực và hướng suy nghĩ về mặt tiêu cực. Về mặt tiêu cực thì mình thấy nó nhiều quá cũng bội thực khiến cho người ta dễ cảm thấy nhàm chán, và câu hỏi mà mọi người luôn đặt ra là tại sao ở một đất nước nhỏ bé này lại có nhiều tài năng đến như thế để hàng năm diễn ra hàng chục chương trình như vậy.
Tuy nhiên nghĩ theo hướng ngược lại, mỗi chương trình với áp lực phải tạo ra sự khác biệt, cho khán giả có những món ăn tinh thần đặc biệt, thứ 2 là tạo ra cơ hội khác nhau cho những niềm đam mê âm nhạc khác nhau. Có thể đối với cuộc thi này, định hướng hay phong cách của nó không phù hợp với bạn nhưng ở cuộc thi khác sẽ tốt hơn chẳng hạn. Tôi nghĩ đó là một điều tốt đẹp để mọi người có cơ hội tham gia và tìm kiếm cơ hội phát triển cho mình.
- Anh nghĩ gì về câu “thiên tài không thể sinh ra một sớm một chiều”?
Mình phải xác định là cuộc thi này không phải tìm kiếm thiên tài, vì thiên tài họ không cần thời gian dài để rèn giũa đâu, thiên tài 1 phát 1 là họ lên ngay.
Mình phải xác định trước hết đây là một chương trình truyền hình, mục tiêu đầu tiên của nó là trở thành một chương trình trên sóng truyền hình để giải trí chứ không phải mang một ý nghĩa lớn lao của xã hội, bắt buộc phải cống hiến cho đời sống giải trí thứ gì đó cho nền công nghiệp nước nhà.
Cho nên, trở thành một chương trình truyền hình hấp dẫn là đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của nó. Thứ 2 là thật ra thì càng nhiều cơ hội, các bạn trẻ càng hăm hở hơn, và tôi thấy đối với giới trẻ không có gì là đủ cả.
- Bên cạnh đó, anh đánh giá như thế nào về chất lượng giọng hát các thí sinh?
Theo tôi, giới trẻ càng ngày càng hát hay, các bạn so với thời trước đây có đủ điều kiện để theo đuổi niềm đam mê của mình từ sớm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bây giờ tìm được một nhân tố thực sự nổi bật thì khó thật, vì một giọng hát hay nhưng tương đối giống nhau về phong cách và tất cả mọi thứ, sẽ bị nhàm chán, nên để tìm được một người có phong cách thật sự nổi trội rất khó.
- Cũng trong các cuộc thi âm nhạc, không ít những lời nhận xét không liên quan đến chuyên môn như: Trang phục em rất đẹp, ngoại hình em rất sáng sân khấu... bị khán giả cho rằng khá nghèo nàn về câu chữ nhận xét. Theo anh, 1 người nhận lời ngồi ghế nóng chương trình có nên đưa ra những nhận xét không liên quan như vậy không?
Mỗi một giám khảo sẽ có một lĩnh vực khác nhau khi ngồi vào ghế nóng, ví dụ như bạn là giám khảo chuyên môn mà bạn không nhận xét về chuyên môn mà chỉ chăm chăm vào quần áo thì chắc chắn không được.
Nhưng nếu bạn là một giám khảo về phong cách thì bạn không nhận xét về chuyên môn nhiều mà nhận xét về phong cách của thí sinh thì nó hợp lý. Vì vậy, mình phải xét tới yếu tố vị giám khảo đó đang nói câu đó có phù hợp với vị trí, vai trò của anh ta trong cuộc thi này hay không.
Ví dụ như khi tôi ngồi ghế nóng của chương trình Én vàng, tìm kiếm người dẫn chương trình, vai trò của tôi ở đó là một người sản xuất chương trình dành cho giới trẻ và tôi luôn cực đoan theo sự sáng tạo, mới mẻ, hiện đại, tôi không bao giờ đồng ý cho một cách dẫn chương trình cũ kỹ xuất hiện.
Với vai trò đó, tôi luôn nói những điều làm sao cho thí sinh lẫn khán giả hiểu một người dẫn chương trình theo phong cách hiện đại là như thế nào, thì tùy theo vị trí. Nhưng giả sử, tôi ngồi vào một ghế nóng trong cuộc thi âm nhạc, không phải là một người có chuyên môn về âm nhạc mà tôi chuyên về xây dựng hình ảnh thì tôi sẽ nói nhiều hơn, ví dụ như thí sinh đó đã biết cách xây dựng hình ảnh thông qua các tiết mục của mình hay chưa.
Cho nên, tùy vào vị trí và vai trò của giám khảo mà họ nói sao cho phù hợp, nếu như giữ vai trò A mà chỉ toàn nói chuyện B không thì không nên.
- Có rất nhiều vị giám khảo, huấn luyện viên (HLV) từng đưa lời hứa “Sẽ giúp các em thành sao!” nhưng thực tế vẫn chưa có một cái tên nào nổi bật do HLV dìu dắt, có nhiều Quán quân đến giờ vẫn không ai nhớ mặt đặt tên. Anh nghĩ những lời hứa này ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân những người được hứa như thế, điển hình là thí sinh?
Thứ nhất là bạn đã nói ra 1 điều bức xúc, trăn trở của các cuộc thi vì nhiều cuộc thi tạo ra không có gì xấu, nhưng những giải nhất đi về đâu chính là dấu hỏi lớn nhất. Nếu nói về lĩnh vực âm nhạc thì theo tôi nghĩ đến giờ chỉ có Dream High - Khởi đầu ước mơ là có một đường ra rõ rệt, Quán quân sẽ trở thành thành viên của một công ty giải trí và được phát triển ngay sau đó.
Hoặc nếu là thời trang thì có Vietnam's next top model hoặc Project runway, những chương trình đó, Quán quân được phát triển ngay sau cuộc thi trong thị trường Việt Nam và quốc tế, đây là những điều rất tốt đẹp.
Một thí sinh dự thi, cái họ muốn không phải chỉ là giải nhất mà là cơ hội phát triển sau đó, những cuộc thi đó đã làm được. Đại đa số cuộc thi khác chỉ mới dừng lại ở mức gameshow truyền hình, và đã là gameshow thì nó dừng lại là hết, không tạo ra được điều gì.
Nhưng dù sao bạn Quán quân cũng có cơ hội đưa hình ảnh của mình nhanh đến với khán giả, nhanh đến với công chúng hơn là bạn ấy tự bơi 1 mình trong môi trường càng ngày càng nhiều người tài như hiện nay.
Cái thứ 2 là nói về những giám khảo nói "Em về với đội anh/chị, anh/chị sẽ biến em thành sao" v.v... thì mình phải xét thấy là họ dùng những câu nói đó trong trường hợp đang lôi kéo thí sinh về đội của mình, thì trong trường hợp lôi kéo người ta sẽ phải quảng cáo về đội của mình, mà đã là quảng cáo thì nó sẽ khác với sự thật. Những lời đó nếu ai tin là quá ngây thơ.
Giám khảo biết hứa mà không biết làm thì khán giả sẽ coi thường.
MC Tùng Leo
- Theo anh, làm HLV có nên hứa suông với thí sinh những điều như thế hay không?
Tôi nghĩ làm HLV không nên hứa suông, vì một khi đã nói là phải làm, đương nhiên làm bằng cách nào hay hình thức, thời điểm nào là câu chuyện khác.
Ví dụ như bạn nói biến người ta thành sao mà ngay lập tức chưa làm nhưng sau đó làm cũng được, miễn là có làm chứ đừng chỉ nói không. Nói không thì những lời nói của mình sẽ bị “khinh nhẹ” ở những mùa sau.
- Như được biết, anh là giám khảo trong vòng thử giọng của cuộc thi "Bạn là ngôi sao", ngay từ vòng tuyển chọn cũng đã có không ít gương mặt quen thuộc từng xuất hiện ở nhiều cuộc thi khác, cũng từng nhận được những lời khen/lời hứa có cánh như vậy, theo anh vì sao họ cứ phải loay hoay tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác?
Đây là một câu hỏi rất hay vì đối với chương trình Bạn là ngôi sao, rõ ràng có những bạn đã tham gia bên ngoài 1 chút nhưng vẫn tiếp tục tham gia chương trình này. Điều đó minh chứng là gì, minh chứng cho tất cả những câu hỏi và câu trả lời phía trên, là nhu cầu được nổi tiếng sau một chương trình truyền hình vẫn rất lớn từ các bạn trẻ, kể cả những bạn đang hoạt động nghề nghiệp.
Nếu như họ không có nhu cầu đó thì lượng thí sinh của các chương trình không nhiều như vậy bởi vì làm sao tìm được nhiều người tài đến thế, trong khi cứ hễ có 1 cuộc thi mới là số lượng thí sinh càng ngày càng nhiều hơn và thậm chí là những người đang hoạt động vẫn đi thi, khao khát để trở thành ngôi sao một cách nhanh chóng thông qua 1 chương trình truyền hình vẫn rất cháy bỏng trong các bạn trẻ. Và tôi cho rằng đó chính là câu trả lời cho những câu hỏi tại sao ra đời nhiều cuộc thi như vậy.
- Theo anh, việc nổi tiếng ngay sau 1 đêm nhờ tham gia chương trình truyền hình có làm thí sinh bị “ảo tưởng” và ngủ quên trên chiến thắng đó?
Ai ảo tưởng và ai ngủ quên thì đầu tiên đó là những người dở với bản thân mình, đó là những người không sáng suốt. Bởi vì không có một ngôi sao nào lợi dụng 1 cuộc thi mà đi được đường dài hết, dài hay không là do năng lực và cơ hội sau đó của bạn. Chứ cuộc thi thì chỉ dừng lại ở cuộc thi thôi.
Ngay cả khi bạn tham gia một cuộc thi lớn như là Hoa hậu hoàn vũ hay Hoa hậu thế giới thì sau đó, dù có là người đẹp thế giới bạn cũng phải cố gắng chứ không phải bạn đẹp xong đêm đó, là Hoa hậu xong thì thôi, tương lai sau đó là do đường trường của bạn.
- Nhiều khán giả cho rằng chương trình truyền hình hiện nay chỉ mang tính giải trí, nhưng mặt khác họ cũng mong muốn, yêu cầu giám khảo nhận xét sâu về chuyên môn chứ không phải nghe những lời sáo rỗng về nhận xét quần áo, phong cách... Theo anh, có cách nào để dung hòa cả 2 yếu tố đó hay không?
Tôi rất đồng tình với khán giả, thứ nhất tôi biết đây là những chương trình đặt nặng vấn đề giải trí nhưng khi bản thân là khán giả, tôi cũng rất mong muốn khi mở một chương trình giải trí lên thì không chỉ tìm được những nhân tố mới, những người yêu âm nhạc, những người yêu lĩnh vực giải trí ở vị trí thí sinh mà còn muốn nghe những lời bổ ích từ ban giám khảo.
Tôi rất hy vọng những nhân vật sau này hoặc đang là giám khảo những cuộc thi, sẽ đặt tâm huyết của mình vào cuộc thi nhiều hơn để những lời nói ra của bản thân không chỉ có ích với thí sinh mà còn có ích với khán giả truyền hình nữa. Và tôi hoàn toàn không cổ vũ những giám khảo không đi sâu vào chuyên môn, không thẳng thắn đưa ra những lời nhận định cá nhân của mình mà chỉ nói những lời dĩ hòa vi quý.
- Xin cám ơn Tùng Leo về những chia sẻ trên!
Bình luận